Tết Hà Thành, ngày chưa xa

ANTĐ - Mỗi bận giao thừa về, trong ánh sáng đèn LED rực rỡ và đèn laser huyền ảo, vẫn hoài niệm cảnh trí thanh đạm mà đầm ấm trong cái Tết giá lạnh năm xưa.

Thời “tem phiếu” đâu chỉ là lăn lộn với “củi quế gạo châu” để “lo Tết”, mà còn đầy ắp sự ấm áp, đậm tình người trong gia đình và cộng đồng. Ngoài hai mươi tháng Chạp, các bà các chị, đã bắt đầu lo sắm Tết. Sau Tết ông Công ông Táo là khối nhà rậm rịch chuẩn bị gói bánh chưng. Những em gái nhẫn nại ngồi bên máy nước, hoặc bên bể nước công cộng miệt mài rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo, rửa củ quả làm mứt Tết. Tay dù tím tái vẫn thoăn thoắt làm cho đỡ cóng dưới làn nước lạnh, miệng vẫn vui vẻ kể chuyện nhà, chuyện xóm, chuyện cơ quan, chuyện người thân xa nhà về ăn Tết. Dường như để bù lại với cái vất vả ngày Tết như thiên chức của nữ, cánh đàn ông chủ động sắp xếp thời gian trực bên nồi bánh chưng với những vị hàng xóm nào thân hơn, để còn chuyện gẫu, và xếp bớt tính lười và thói gia trưởng để xắn tay cùng con cái dọn nhà, đón Xuân mới.

Những hàng người đằng đẵng trước cửa hàng mậu dịch mua hàng cung cấp theo tem phiếu, từ tấm lá dong đến chai mắm, miếng thịt. Chen chúc kinh khủng, và cũng có lúc về tay không vì “hết hàng”. Không phải là không có cãi cọ nhau, nhưng người Hà Nội thời gian khó ấy như nhẫn nại hơn, nắn nót hơn về lời ăn tiếng nói, khinh khi những tầm thường, ích kỷ, chủ động chia sẻ, nhường nhịn nhau hơn, để ai cũng có Tết. Phần vì tục lệ kiêng cãi vã nhau vào ngày Tết, nhưng hẳn là niềm tin vào sự công bằng thời đó mạnh hơn, khiến người với người chân thành, vị tha hơn, “Việt” hơn. 

Thời đó, quanh Hồ Gươm cảnh quan thật đẹp, nhưng chỉ trang hoàng chủ yếu bằng những bóng đèn thủy tinh trong đủ màu của nhà máy bóng đèn - phích nước Rạng Đông (khu Cao - Xà - Lá, gần Cầu Mới, nay thuộc quận Thanh Xuân). Nhìn gần, nếu lớp sơn phết bên ngoài bong đèn bị tróc thì còn thấy cả sợi tóc xoắn lò xo bên trong. Nhưng với những bóng đèn thô sơ ấy, nét tinh tế “Hà thành” vẫn luôn phảng phất. Thời ấy vật chất thiếu thốn, và do tâm lý cần kiệm, nên Tháp Rùa chỉ được trang trí bằng các bóng đèn thường, nhưng tất cả các cạnh của tháp được viền bằng ánh sáng vàng nhạt làm nó nổi bật trong đêm. Quả thực ngày ấy cảnh trí Hồ Gươm đâu lộng lẫy như bây giờ. Nhưng người người vẫn bồi hồi, nín thở nghe đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện điểm những tiếng chuông Giao thừa, thuần phác mà trang nghiêm, vừa ngắm Tháp Rùa soi bóng mờ ảo, lung linh trong nước hồ, chìm đắm trong suy tưởng về niềm tin Việt cổ truyền, rằng năm tới, vật đổi sao dời theo luật của trời đất, nhưng theo chiều hướng tốt lên.  

Rồi pháo hoa bắn rực trời, từ những cái Tết trong hòa bình, dù còn thiếu thốn, ở các địa điểm có hồ lớn ở Hà Nội (hồ Gươm, hồ Tây, hồ trong Công viên Thống nhất). Sau 11h người Hà Nội ăn mặc đẹp nhất, đứng chật quanh Hồ Gươm. 

Những cái Tết trước khi Bác Hồ mất, vào khoảng 12h 15 mọi người đứng yên, trang trọng nghe lời Bác Hồ chúc Tết phát đi từ loa phóng thanh gắn trên các cột điện cao. Câu thơ chúc Tết năm cuối cùng của Người vẫn sâu đậm trong tâm tưởng mỗi người dân “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…”.

Với nhiều gia đình, sau khi cả nhà đi đón giao thừa về thì làm lễ tự xông đất. Cha hoặc anh châm lửa đốt một băng pháo treo trước cửa nhà. Chờ khi pháo nổ hết, mọi người mới bước vào nhà. Quãng cách từ Hồ Gươm đến từng nhà là khác nhau, vì thế các tràng pháo cứ râm ran cho tới 2 - 3 giờ sáng, rồi thành phố chìm hẳn vào giấc ngủ đầu của năm mới.

Nay mỗi bận Xuân về, được chứng kiến những cỗ bàn chất đầy ắp, những ăn vận sang trọng, sành điệu hơn. Nhưng trong góc sâu thẳm của lòng người Hà Nội có tuổi, hẳn vẫn đau đáu nỗi nhớ một ngày Tết “ăn hương ăn hoa”, trong nhà lạnh như ngoài phố mà vẫn ấm lòng, nhờ quây quần bên nồi bánh chưng, và nhờ... tình người.