Tết đến, “đau đầu” bài toán thu - chi

ANTĐ - Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chật vật đối phó với sự sống còn cho nên việc thưởng Tết đã trở nên xa xỉ. Một số doanh nghiệp khác cũng cố gắng thu xếp thưởng cho người lao động nhưng mức thưởng cũng không đáng là bao. Vì vậy cuối năm, không ít người buồn rười rượi, đau đầu vì không biết lấy tiền đâu  để chi tiêu ngày Tết.

(Minh họa: Internet)

Thưởng Tết giảm mạnh

Hầu hết các doanh nghiệp đều phải thắt chặt chi tiêu, gồng mình vượt qua cơn bão táp của lạm phát và khủng hoảng tài chính. Thậm chí không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Nhiều doanh nghiệp giờ này còn phải chạy tiền trả nợ, đáo hạn ngân hàng. Vì vậy câu chuyện thưởng Tết vẫn là mối lo của nhiều doanh nghiệp. Chị Nguyễn Bích Ngọc, công nhân tại công ty dệt may Sài Đồng, Long Biên cho biết: Năm nay vợ chồng tôi được thưởng 2 triệu đồng nên đang đau đầu vì không biết phải chi phí như thế nào với số tiền ít ỏi này. Trong danh sách chi tiêu Tết, mua sắm, biếu ông bà nội ngoại tối thiểu cũng phải 8-10 triệu nhưng giờ không biết lấy đâu ra.

Luật lao động không bắt buộc các doanh nghiệp phải thưởng Tết. Việc thưởng Tết căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn lỗ thì có quyền không thưởng. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có quyền tự quyết định lương thưởng. Vì thế, cơ quan quản lý chỉ có thể động viên chứ không thể can thiệp nếu doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động, dù doanh nghiệp không có thưởng Tết.

Tuy nhiên, theo thông lệ năm nay phần lớn các doanh nghiệp chỉ thực hiện chế độ thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13. Theo đó, có người  được 1,5 triệu, 2 triệu hoặc 4-5 triệu đồng. Hiện vẫn có doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết chỉ thưởng Tết cho công nhân nửa tháng lương. Một cán bộ ngân hàng cũng cho biết, năm ngoái mỗi nhân viên thuộc ngân hàng được thưởng ít nhất 3 tháng lương thì năm nay cũng chỉ có 1 tháng lương thứ 13.

Có lẽ nhiều năm qua những người được nhận tiền thưởng Tết thấp nhất vẫn là công nhân rồi tới giáo viên, nhất là thuộc các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, quà Tết của họ có khi chỉ là hộp bánh, hộp kẹo trị giá vài chục nghìn. Với nhiều doanh nghiệp, thưởng Tết năm nay có thể cao hơn năm ngoái do lương tăng. Tuy vậy số tiền thực lĩnh tăng không đồng nghĩa với việc người lao động được ăn Tết “to” hơn,  bởi mức tăng lương vẫn thấp hơn rất nhiều mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Chi tiêu thế nào?

Có con nhỏ, không có ông bà giúp nên vợ chồng chị Hương (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) phải thuê người giúp việc. Gần Tết, ngoài tiền lương 2,5 triệu, chị Hương còn phải lo tiền tàu xe, quà cáp, thưởng Tết cho người giúp việc. Trong khi thưởng Tết của chị chỉ có 1,5 triệu. Mấy ngày gần đây, hai vợ chồng phải ngồi với nhau tính đi tính lại chi những khoản nào: tiền biếu bố mẹ hai bên, tiền tàu xe về quê nội ngoại, tiền mua sắm Tết, tiền mừng tuổi đàn cháu… tính sơ sơ cũng ít nhất là 15 triệu. Trong khi cả hai vợ chồng làm việc tại cơ quan Nhà nước chỉ được thưởng tổng cộng 4 triệu đồng. Vậy 11 triệu còn lại tìm đâu ra. Đó là còn chưa kể tiền thuê nhà cũng sắp đến ngày đóng.

Để thêm thắt tiền chi tiêu Tết, từ 2 tháng nay, chị Lan (Tân Mai, Hoàng Mai) phải nhận làm thêm ngoài giờ. Còn chị Luyến, nhân viên văn phòng lại kiếm thêm bằng cách mua đồ đến cơ quan bán như quần áo, khăn, mỹ phẩm… Sau 1 tháng cày cuốc, chị cũng có thêm 5 triệu để góp thêm vào tiêu Tết.

Với những bà nội trợ không kiếm thêm được khoản “đầu vào” thì cách tốt nhất chị em nghĩ ra được là cắt giảm chi tiêu. Chị Hồng Anh, quận Thanh Xuân tâm sự: Mình đã thống nhất với chồng năm nay giảm tiền biếu bố mẹ xuống còn một nửa, giảm mua sắm đến mức tối đa, cái gì thật cần thiết mới mua không thì “cắt”.

Ngày Tết, ngày đoàn tụ, ngày vui được mong đợi hàng năm nhất. Nhưng với những người lao động mà thưởng Tết chỉ là tượng trưng thì việc kiếm tiền đâu để tiêu Tết vẫn là bài toán ám ảnh.

 Anh Nguyễn Hoàng Long, cán bộ Ngân hàng Techcombank: Ngày Tết phải đàng hoàng

Cả năm làm việc vất vả nên với tôi những ngày Tết cần phải đầy đủ, tươm tất. Như năm ngoái gia đình tôi chi tiêu Tết hết khoảng 30-40 triệu, năm nay có lẽ cũng không thể kém do mọi hàng hóa đều đắt đỏ. Tốn phí nhất ngày Tết với gia đình tôi là tiền chậu hoa cây cảnh. Một chậu hoa địa lan năm ngoái đã có giá 5 triệu, năm nay có thể hơn. Bên cạnh đó là chi phí đối ngoại, cái này cũng không thể tiết kiệm được. Khoản tiền mua quần áo, đồ đạc, cũng chiếm một chi phí tương đối lớn.

Chị Nguyễn Ngọc Hà, nhân viên văn phòng: Cắt chỗ nọ phình chỗ kia

Gia đình tôi bố mẹ nội ngoại đều ở xa nên ngày Tết chi phí đi lại giữa hai bên cũng khá tốn kém. Do con nhỏ nên chúng tôi thường phải thuê xe về nhà nội ở Thanh Hóa, mồng 2 lại thuê xe về nhà ngoại ở Quảng Ninh nên cũng đã  mất vài triệu. Rồi tiền biếu bố mẹ hai bên, tiền mừng đàn cháu ở quê. Ông bà đã già, lại không khá giả gì nên vợ chồng tôi phải lo hết. Vì vậy cứ đến Tết là phải lo một khoản khá lớn. Trong khi thu nhập hai vợ chồng lại có hạn. Đã nhiều lần hai vợ chồng ngồi tính toán xem có thể cắt giảm khoản nào đó nhưng “cắt” chỗ nọ lại phình chỗ kia.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Công ty Giày da Thụy Khuê:Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều

Với các gia đình nông thôn, hai vợ chồng làm ruộng không có đồng lương, nói gì đến chuyện thưởng Tết. Song họ vẫn có Tết đấy thôi. Quan trọng chúng ta chi tiêu như thế nào. Với những gia đình có điều kiện, có thể chi tiêu 30-40 triệu cho một cái Tết hoặc hơn. Nhưng với những gia đình lao động nghèo thì chỉ cần 3-4 triệu cũng đủ. Nhưng có nhiều chi nhiều, có ít chi ít.  Điều mọi người muốn tận hưởng nhất trong dịp này là một không khí ấm áp của gia đình ngàyTết.

Anh Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ Công ty Vinaconex: Cứ Tết là hai vợ chồng cãi nhau

Năm nào chuẩn bị Tết, hai vợ chồng tôi cũng va chạm nhau về chuyện tiêu tiền. Gia đình tôi cũng không quá khó khăn, nhưng cũng không phải giàu có gì, còn rất nhiều nhiều việc lớn phải chi tiêu nhưng vợ tôi thì luôn phóng tay chi tiêu không có kiểm soát. Nhớ Tết năm ngoái, cầm 50 triệu mà cô ấy chả biết mua những gì hết Tết chỉ còn 3-4 triệu. Hai vợ chồng chiến trạnh lạnh mấy ngày liền. Năm nay ngay từ đầu tôi đã quán triệt chi tiêu phải có chừng mực nhưng có vẻ như cũng chẳng khác được năm trước.
Tại TP.HCM, thưởng Tết âm lịch, cao nhất rơi vào các doanh nghiệp FDI (400 triệu đồng/người), xếp thứ hai là một số doanh nghiệp có vốn của Nhà nước (356 triệu đồng/người); đứng thứ ba là doanh nghiệp dân doanh với mức cao nhất 135 triệu đồng/người; xếp thứ tư là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, mức cao nhất là 130 triệu đồng/người. Tại các KCX-KCN, mức thưởng cao nhất thuộc về một DN nội địa với mức 99,3 triệu đồng/người, trong khi mức cao nhất năm ngoái là 376,8 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất cũng là một DN trong nước với mức 2 triệu đồng, năm ngoái chỉ là 900 ngàn đồng/người. Mức bình quân của các DN nội địa là 2,95 triệu đồng/người, năm trước là 1,9 triệu đồng/người.