Tết của những phụ nữ trên “đảo không chồng”

ANTĐ - Sẽ có rất nhiều người thắc mắc vì sao những người phụ nữ trên đảo Gehegeer lại không có chồng, không cần đàn ông mà vẫn có con? Thực ra, đa phần những người phụ nữ này đều có chồng,  từng có một mái ấm gia đình nơi đất liền và những đứa trẻ mang họ cha. Nhưng do những bi kịch hạnh phúc gia đình khác nhau mà họ đưa con cái của mình tới đảo Gehegeer để tìm một lối thoát.

Mọi quyền quyết định từ việc nhỏ đến những việc lớn khác,
phụ nữ trên đảo sẽ thay nhau đảm nhiệm 

Những công dân đặc biệt 

Đảo Gehegeer, nằm cách Thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 30km. Ngôi làng nhỏ bé trên đảo này được coi như một mái “nhà tạm lánh” chung của 109 phụ nữ và trẻ em. Khi gia nhập thành viên của đảo, họ có thể sống vài người, hoặc thậm chí chỉ có hai mẹ con sống trong một ngôi nhà. Họ gọi đó là gia đình của mình, chỉ có mẹ và con. Có khó khăn, chật vật nhưng tất cả đều cảm thấy cuộc sống thật tốt đẹp, bởi ở đây họ có quyền quyết định cuộc sống của mình.

Sang Xina (36 tuổi) bị chồng bạo hành và bỏ rơi cách đây 2 năm cũng đã tình nguyện đến đảo cùng 5 đứa con. Trước khi đến đảo Gehegeer, chị luôn trong trạng thái bị hoảng loạn, vì những trận đòn roi và cưỡng bức của gã chồng vũ phu. Chị cảm thấy nhục nhã, đau đớn. Nhiều lần chị đã nghĩ tìm đến cái chết nhưng vì thương các con chị lại không dám làm điều dại dột. Khi nghe các chị em cùng cảnh nhắc tới đảo Gehegeer, không chút chần chừ, ngay trong đêm, Sang Xina lén đưa cả 5 con ra đảo, quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới. 

Chị cho biết, để cuộc sống của 6 mẹ con được đầy đủ, chị đã phải làm việc rất vất vả. “Tôi đã làm việc liên tục để đảm bảo cuộc sống cho các con. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc vì được đến hòn đảo này. Ở đây chúng tôi có một ngôi nhà, được hưởng quyền lợi lao động của mình mà không bị sự soi xét của người đàn ông. Những đứa trẻ của tôi đều được đi học và sống đúng với lứa tuổi của chúng. Hy vọng cuộc sống của chúng sau này sẽ tốt hơn cuộc sống của tôi”.

Hay đến câu chuyện của chị P'ngieng - một nhân viên kế toán của một công ty sản xuất nông sản có tiếng ở thành phố, cách đây 1 năm về trước chị cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Bất cứ lúc nào chồng nổi nóng, chị lại bị chồng chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn. Có khi anh ta còn trói chị lại đánh đến gãy, sập cả giường. Những lúc ấy, anh ta thường khóa trái cửa lại, để không ai vào cứu chị được.

Suốt 6 năm trời, chị sống câm lặng trong đau đớn và tủi nhục vì bị chồng hành hạ về thể xác lẫn tinh thần do thói ghen tuông của chồng. Chị bị chồng đánh gãy chân đến 2 lần và những vết đánh, rạch còn để lại sẹo chằng chịt trên tấm thân nhỏ thó, đen đúa. Sau cùng, giọt nước cũng tràn ly, khiến chị đi đến quyết định ly hôn. Cũng giống như nhiều chị em khác ở thành phố Phnom Penh, chị tìm đến ngôi nhà - đảo Gehegeer cùng 2 con. Giờ chị cần thời gian để sắp xếp lại mọi thứ. Để làm quen với cuộc sống mới, tìm một bến đỗ bình yên.

Những người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc vì được đến hòn đảo thanh bình này 

Nhọc nhằn nuôi con một mình

Làm người mẹ đơn thân là sự lựa chọn có ý thức hay bước đi tuyệt vọng? Đối với những trường hợp của các chị em ở đảo Gehegeer thì đó là một cuộc trốn chạy cuộc hôn nhân không hạnh phúc, muốn thoát khỏi xiềng xích của gã chồng vũ phu, đi tìm cuộc sống mới cho các con.

Và dĩ nhiên, tất cả những người phụ nữ trên đảo đều thấm thía được nỗi gian truân, vất vả khi phải một mình nuôi con. Không phải là một, hai, mà thậm chí có bà mẹ một mình nuôi đến tận 5 đứa con cùng lúc. Đây là những lời tâm sự tận đáy lòng của bà mẹ trẻ đơn thân nuôi 5 con, chị Sang Xina (36 tuổi). Chị tâm sự: “Cuộc sống của người phụ nữ đơn thân thì nhiều nỗi vất vả lắm. Vật chất, tình cảm đều thiếu thốn. Sự tủi thân nhiều khi cũng làm cho bản thân thấy cuộc sống của mình thật nhiều nỗi buồn”. Những ngày con nóng, con sốt chị thức gần như thâu đêm suốt sáng. Đêm về chị rơi từng giọt nước mắt. Vừa đau lòng khi thấy con bị ốm. Chị vừa tủi cho phận mình sao côi cút đến vậy? Người ta có chồng thay phiên chăm con cho vợ nghỉ. Còn chị... chị chỉ biết khóc những giọt ngắn dài vì phận lẻ loi Đối với chị tương lai con đang chờ vào sự nỗ lực của mình. Chị cố gắng làm tất cả vì các con thân yêu. Ngày làm quần quật để kiếm cho bằng được nhiều tiền để nuôi các con. Mục tiêu của chị không phải chỉ có thể cố gắng kiếm miếng cơm manh áo đầy đủ cho con mà chị còn ấp ủ một dự định lớn hơn. Đó là khát vọng cho các con đi học, bởi chị hiểu rõ, chỉ có tri thức mới đem lại cho các con chị một tương lai sáng sủa hơn tất cả. 

Dĩ nhiên, ở trên đảo này hiện chưa có một trường học nào, ngoài một vài lớp trông trẻ mẫu giáo. Vượt hơn 30 chục cây số, chị quyết tâm phải cho con đi học cho bằng kỳ được. Nghĩ là làm, đứa nào đến tuổi đi học, chị lại chịu thương chịu khó lên thành phố xin cho con đi học. Rồi từ sáng sớm, từ khi mặt trời còn chưa mọc, chị lại đèo con trên chiếc xe đạp cũ rích tới trường. Mẹ con đùm cơm nắm, nước uống giữa đường. Đó là đối với đứa bé, còn đứa nào lớn hơn thì chị xin cho nó ở trọ ở ngay trung tâm. Con đến trường học, chị lại tất tưởi vội vàng đạp xe nhanh về nhà, tiếp tục công việc đồng áng, đan lát…

Tin thật mừng, đứa con gái lớn của chị vừa đoạt giải nhì cuộc thi toán học cấp huyện của thành phố. Khi nghe tin, chị hạnh phúc không cầm nổi nước mắt. Và còn nhiều câu chuyện khác trên đảo kể về sự hy sinh, tần tảo của những người mẹ đơn thân đang từng ngày vật lộn với sự sống, mong các con có một tương lai tươi sáng hơn như chị Sang Xina…

Tết vắng…

Mỗi khi Tết đến, không khí trên đảo cũng náo nức, không kém phần ấm cúng. Các gia đình sang nhà nhau để chúc Tết và lì xì cho những đứa bé quá dễ thương. Những người đàn bà đang chuẩn bị bữa tiệc tân niên. Họ làm bếp rất vui, nhưng đến khi vào tiệc, tự nhiên không khí cảm thấy buồn. Bữa tiệc đầy những món ngon, trên bàn thờ không thiếu rượu, ngay cả bàn thờ ông Địa cũng có cặp rượu vang. Những đứa trẻ chẳng buồn ăn, chúng ra sân chơi cùng những đứa bạn hàng xóm. Hễ có khách (là người phụ nữ, nếu là đàn ông thì họ không cho vào nhà và tiếp đãi) bảo họ, nên có ly rượu mừng xuân và xin phép được về nhà lấy chai rượu. Người mẹ cười như có lỗi, bảo nhà có rượu nhưng chẳng ai uống được... Rồi bà cũng khui một chai rượu vang, rót vào ly. Cuối cùng  ly rượu còn gần như nguyên vẹn sau bữa tiệc toàn đàn bà! Rồi dáng những người đàn bà trên đảo cô độc đến lạ thường trong ánh đèn đường mờ ảo như cuộc đời họ. Họ đang ngồi nhìn xa xăm về phía chân trời để duy trì cuộc sống, để tồn tại, và để... tự chiêm nghiệm một thế giới không có đàn ông?.

Nghe những giãi bày, suy tư của những người phụ nữ trên đảo này sao không tránh khỏi suy nghĩ phải chăng họ gắn bó với sông nước bấp bênh nên cuộc sống cũng dập dềnh theo con nước. Nhưng cũng chợt nghĩ rồi đây cuộc sống đổi thay, ở vùng đất bên đảo sẽ bước sang một hướng rẽ mới phát triển hơn, thoát khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bạo lực, chắc những người phụ nữ trên đảo Gehegeer sẽ có cuộc sống tốt hơn với cuộc mưu sinh khác.

Hiện những phụ nữ ở đây một phần làm những sản phẩm thủ công như thêu, đan, lát để bán sang các đảo khác. Ngoài ra, số khác làm các công việc liên quan đến nông nghiệp như cày cấy, chăn nuôi gia súc, thủy sản… Một phần của vụ thu hoạch sẽ sử dụng cho nhu cầu trên đảo, phần khác sẽ được gửi đến một ngôi làng gần đó để bán và đổi các nhu yếu phẩm khác. Kinh tế ở mỗi hộ gia đình chưa thể nói là giàu có nhưng gia đình nào cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ được đi học đầy đủ. Sau giờ làm việc vất vả, đêm đến trên đảo lại văng vắng tiếng mẹ ầu ơ ru con ngủ…