Tên lửa mới để lộ mục tiêu đáng sợ của Triều Tiên

ANTD.VN - Theo tờ Daily Caller, cuộc duyệt binh hoành tráng vào hôm 15-4 của Triều Tiên cho thấy mục tiêu phát triển tên lửa Triều Tiên là tập trung vào mở rộng tầm bắn và tăng khả năng sống sót, điều thực sự gây ra nhiều lo ngại.

Trong cuộc duyệt binh hôm 15-4, Triều Tiên đã trình làng loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 (KN-11) và phiên bản phóng từ trên bộ Pukguksong-2 (KN-15). Nước này đã phóng thử thành công KN-11 vào cuối tháng 8-2016 và KN-15 là vào tháng 2-2017. Cả 2 loại tên lửa này đều sử dụng nhiên liệu rắn và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên

Triều Tiên cũng đã ra mắt 2 loại xe chở mới phục vụ cho 2 loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn nói trên. Một chiếc có gầm khá thấp và giống với loại Trung Quốc dùng để chở tên lửa DF-31, trong khi loại còn lại, có khả năng dựng đứng tên lửa để phóng ngay lập tức, mang hình dáng giống với xe chở tên lửa DF-41 của Trung Quốc hay Topol của Nga. Cuộc diễu binh vào hôm 15-4 là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công khai khả năng này.

“Tín hiệu mà Triều Tiên đang muốn gửi đó là họ đang tập trung vào chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, ngoài ra với các phương tiện phóng cơ động, tên lửa của Triều Tiên sẽ có khả năng sống sót cao hơn’’, bà Melissa Hanham, chuyên gia ở trung tâm nghiên cứu giải trừ vũ khí James Martin tại California, nhận định.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-2 

Thay vì phóng từ một vị trí cố định, Triều Tiên đang nhanh chóng phát triển khả năng phóng tên lửa ở mọi nơi mình thích, từ đó tăng khả năng sống sót trước một đợt tấn công phủ đầu của đối phương. Việc sử dụng nhiên liệu rắn cũng có nghĩa là tên lửa sẽ mất ít thời gian chuẩn bị hơn và yêu cầu một kíp hỗ trợ ít người hơn.

Các loại vũ khí như KN-15 cho Triền Tiên cơ hội đáp trả nếu kẻ thù tấn công trước. Điều này cũng đúng với KN-11, loại được thiết kế để phóng từ tàu ngầm lớp Gorae. Nếu tàu ngầm Triều Tiên lặn sâu xuống biển, khả năng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phát hiện được nó là rất khó khăn.

“Họ như muốn tuyên bố rằng, sẽ có nhiều tên lửa nữa xuất hiện và đó sẽ đều là những loại dùng nhiên liệu rắn với sự cơ động cao’’, chuyên gia Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á chống phổ biến vũ khí tại Học viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, nhận định.

Trong khi đó, ông Adam Mount, nhà nghiên cứu lâu năm tại Trung tâm tiến bộ Mỹ, cũng phán đoán rằng, đây chính là sự khẳng định về việc Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân đủ sức vươn tới Mỹ.