Tên lửa hành trình Nirbhay của Ấn Độ lần đầu phóng thành công

ANTD.VN - Ấn Độ vừa tiến hành thử nghiệm lần thứ 5 tên lửa hành trình tầm thấp Nirbahy vào hôm 5-11. Sau 4 lần thử nghiệm thất bại trước, cuộc thử nghiệm mới nhất này đã thành công.

Tên lửa được phóng từ bãi thử nghiệm ở vùng Chandipur, bên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, các hệ thống đã làm việc hoàn toàn tuyệt vời, tên lửa đi theo đúng đường bay được định sẵn và tấn công trúng mục tiêu.

Tên lửa Nirbhay được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa 1.000km bằng đầu đạn nặng 300kg. Nó được trang bị động cơ phản lực cánh quạt (turbofan) hoặc động cơ phản lực phân luồng (turbojet), đồng thời dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính phát triển nội địa bởi DRDO.

Tên lửa Nirbhay là dự án đã phải chịu nhiều thất bại trong suốt 7 năm qua

Ấn Độ bắt đầu phát triển dự án tên lửa Nirbhay từ năm 2010 với kế hoạch hoàn thành trong 3 năm, nhưng cuộc thử nghiệm thứ 5 vừa qua mới là lần đầu tiên tên lửa phóng thành công.

Theo chuyên gia về công nghệ tên lửa ở Học viện phân tích An ninh và Quốc phòng, Rajiv Nayan, 4 lần thất bại ban đầu không nên bị coi là quá đáng lo ngại do các nhà khoa học của Ấn Độ phát triển tên lửa Nirbhay từ đầu và thất bại là một phần của quá trình nghiên cứu.

Trong tương lai, nước này sẽ có thể nhập khẩu được nhiều hệ thống hoặc công nghệ tên lửa từ nước ngoài do vừa kí Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR) vào hồi tháng 6.