Tên lửa hải quân Mỹ đang tụt hậu so với Nga, Trung Quốc?

ANTĐ - Mỹ đang cố gắng nâng cấp kho vũ khí của lực lượng hải quân càng sớm càng tốt nếu không muốn tụt hậu so với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như Washington không thể phát triển thêm bất kỳ loại tên lửa mới nào cho đến năm 2020. 

Tên lửa hải quân Mỹ đang tụt hậu so với Nga, Trung Quốc? ảnh 1Hải quân Mỹ đang bị tụt hậu so với Nga và Trung Quốc
Mặc dù trước đó, Lầu Năm Góc đã yêu cầu quốc hội phân bổ 434 triệu USD ngân sách năm 2017 để nâng cấp 250 tên lửa hành trình Tomahawk, song RT dẫn dữ liệu từ Viện hải quân Mỹ rằng, ngay cả với số tiền lớn như vậy cũng không đủ để nâng cấp toàn bộ các tên lửa hành trình này.

Hiện tại tên lửa hành trình Tomahawk đang là vũ khí tuyệt nhất trong hệ thống tên lửa của Mỹ. Nó có tầm bắn dài nhất, khoảng 1.852km và khả năng phá hủy mục tiêu với sai số cực nhỏ dù không đạt tốc độ âm thanh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter cho biết, hải quân Mỹ đang tìm cách áp dụng một dạng khác của siêu tên lửa phòng không tầm xa Standard Missile-6 (SM-6) sử dụng để chống hạm. Nếu sửa đổi này thành công, phạm vi hoạt động của SM-6 sẽ tăng từ 249 đến 370 km.

Theo Viện hải quân Mỹ, một loại tên lửa chống tàu quan trọng khác của Mỹ là RGM / UGM-84 Harpoon, nó có thể được phóng đi từ máy bay chiến đấu, tàu thủy hoặc tàu ngầm. Nhưng bất lợi chính của loại này là phạm vi hoạt động vô cùng ngắn, chỉ trong khoảng 130 km.

Theo RT, điều khiến hải quân Mỹ gấp rút thực hiện hiện đại hóa đội tàu của mình là do các cuộc thử nghiệm thành công tên lửa siêu hiện đại của lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc.

Trong tháng 10- 2015, hải quân Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Caliber có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.500 km với độ chính xác rất cao. Các tên lửa này đã được triển khai chống lại bọn khủng bố IS ở vùng biển Caspian, Syria.

Đồng thời, Trung Quốc công bố tên lửa hành trình Dongfeng (DF-21D) với phạm vi hoạt động là 1.450 km và sức mạnh hủy diệt cực kỳ cao.