Tây Nguyên vắng bóng nhà dài

ANTĐ - Nhà dài - một đặc trưng kiến trúc độc đáo của dân tộc Êđê vùng đại ngàn Tây Nguyên. Cùng với nhà rông, nhà dài của người Êđê là nơi trú ngụ của nhiều thế hệ trong gia đình. Nhưng buồn thay, nét văn hóa độc đáo ấy của Tây Nguyên đang mai một dần. 

Cột bầu sữa mẹ thể hiện cho văn hóa Mẫu hệ người Êđê

Nhà dài như tiếng chuông ngân

Buôn Buôr thuộc xã Tâm Thắng (Cư Jút – Đắk Nông) được Bộ VH – TT & DL công nhận là buôn làng cổ nhất của người Êđê ở Tây Nguyên. Người Tây Nguyên coi đây là cái nôi nguồn cội.

Theo Trưởng buôn Yba Êban, hiện nay buôn Buôr có 169 hộ với trên 1.000 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Êđê. Với đồng bào Êđê thì những ngôi nhà sàn không chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt mà là sự sống, là linh hồn, bản sắc của dân tộc, nên chúng được bảo quản, sử dụng và làm nhà ở theo kiểu kiến trúc nhà dài vô cùng độc đáo. Người Êđê ví nhà dài như tiếng chiêng ngân, là tiếng của thần linh. Ngôi nhà dài cũng vậy, là chốn thần linh hiện hữu.

Nhà càng dài thì càng chứng tỏ gia đình đó đông người với nhiều thế hệ. Như nhà của già Y Khia có 10 người chung sống trong ngôi nhà sàn dài và cùng nhau làm ăn, sinh sống. Thậm chí, có gia đình lên tới 20 người với 4 thế hệ sống chung trong một ngôi nhà dài tới 50m. 

Trong các ngôi nhà dài bao giờ cũng đặt một chiếc ghế dài tương ứng với ngôi nhà. Có nghĩa là chiếc ghế có thể dài tới vài chục mét. Chiếc ghế là nơi để khách khứa ngồi khi chủ nhà có bày tiệc mừng lúa mới, giỗ chạp hay tục bỏ mả. Các già làng và những người vai vế sẽ ngồi lên chiếc ghế đó đánh cồng chiêng chung vui với gia đình.

Kiến trúc nhà dài

Theo ông Ngô Lãm - Trưởng phòng Văn hóa huyện Cư Jút, xét về mặt kiến trúc, có thể coi đây là những công trình kiến trúc mở, kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái cần được nghiên cứu, học hỏi, phát huy trong xây dựng nhà ở hiện đại.

Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê đều xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng như khung nhà bằng gỗ, xương mái và sàn bằng tre nứa, mặt sàn, vách bao quanh nhà bằng phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh rất dày. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4 - 5m. Gầm sàn cao khoảng hơn 1m, trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt gia súc, tuy nhiên sau này đã bỏ dần phong tục cũ này. 

Nhà sàn dài trong các buôn làng đều có đòn nóc nằm dọc theo hướng Bắc - Nam, cửa ra vào, cầu thang lên xuống thường mở hai đầu hồi, tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô, gió Tây Nam vào mùa mưa. Mái nhà dài nằm cắt ngang đường đi của mặt trời nên tránh được giờ chiếu nắng cao nhất trong ngày.

Hệ thống cột kèo nhà được làm bằng gỗ tốt, chịu được khí hậu nóng ẩm qua năm tháng. Các cột, kèo thường được đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà… Phía trước nhà là cầu thang, được chạm khắc hình đôi bầu sữa, xung quanh là hình đôi chim cu đất hay hình mặt trăng khuyết, phía trên uốn lượn tựa hình ngọn sóng. 

Cũng giống như hệ cột kèo, các cầu thang luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống. Từ xa xưa, chiếc cầu thang luôn là niềm tự hào của gia đình. Số bậc trên cầu thang luôn là số lẻ, thường là 7 bậc. Đây là con số thiêng liêng đối với đồng bào Êđê. Cầu thang thường có hai chiếc, một dành cho khách, chiếc còn lại dành riêng cho chủ nhà.

Cấu trúc nhà dài Êđê có ba phần: Sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Điều này thể hiện quan niệm của người Êđê rằng ngôi nhà không chỉ là nơi ở của gia đình mà còn thể hiện nếp sống, sự giàu sang và địa vị của gia đình đó trong cộng đồng. Mỗi phần đều có tác dụng riêng và mỗi ngăn phải được sử dụng theo mục đích, yêu cầu riêng, sao cho mọi người nhìn vào đều phân biệt được cả hình thức và nội dung của từng ngăn trong ngôi nhà dài. Ngay cả cửa sổ bên hông ngôi nhà, nhìn vào ai cũng biết trong ngôi nhà dài này đã có bao nhiêu phụ nữ đã lập gia đình, bao nhiêu chưa có gia đình... Ðó là nét văn hóa độc đáo mà cộng đồng dân tộc này lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa cho đến hôm nay.

Sân sàn ở phía trước nhà trong tiếng Êđê là Dring Gah, là nơi giã gạo, nơi ngồi trò chuyện của gia đình sau ngày lao động. Và còn một sân sàn nữa ở phía sau nhà, đây là lối đi riêng của những người trong nhà, khách không được đi thang lên sân sàn này.

Một ngôi nhà dài cổ nguyên bản ở Tây Nguyên

Nỗi lo mai một 

Theo thống kê thì buôn Buôr hiện chỉ còn giữ được hơn 20 ngôi nhà sàn truyền thống, cùng hàng chục bộ cồng chiêng và khung dệt thổ cẩm. Đó là nơi mà nhà dài còn nhiều nhất Tây Nguyên. Tại các buôn làng khác của Tây Nguyên, số lượng nhà dài cổ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Tất cả bị biến tướng sang một kiểu nhà hiện đại, xây bằng bê tông, lợp mái tôn đỏ chói.

Các huyện của tỉnh Đắk Lắk như Krông Pak, Ea Kar, Cư Mgar số lượng nhà dài cổ gần như đã tuyệt chủng. Hầu hết nhà ở của người dân là nhà xây bằng gạch, lát đá hoa. Rất hiếm để có thể thấy những ngôi nhà dài thời xưa, có đi chăng nữa thì ngôi nhà đó chắc chắn của một hộ nghèo, đơn giản, vì nghèo nên không có tiền làm nhà mới.

Theo các già làng, nhà dài mất kéo theo nhiều giá trị văn hóa tinh thần của các tộc người Tây Nguyên sẽ mất theo. Bởi đó không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc. Không gian ấy biểu trưng cho ý thức mẫu hệ của người dân tộc Êđê. Người con trai lấy vợ phải ở rể. Khi người con gái lấy chồng, căn nhà được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. 

Rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại tiếp tục nối. Cứ thế nhà cứ dài ra mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ... Trong không gian ấy, đêm đêm cả đại gia đình quây quần sum họp bên bếp lửa. Ðàn bà con gái dệt vải, thêu thùa; đàn ông sửa lại cái cày, cái cuốc; người già thì kể sử thi, đọc truyện thơ cho con trẻ. Nhà dài còn là nơi trưng bày các vật dụng thiêng liêng như chiêng, chóe, trống h’gơ, ghế k’pan dài hàng trăm mét...

Thống kê khảo sát của Sở VH - TT&DL các tỉnh Tây Nguyên đang đưa ra những con số báo động về tình trạng mai một nghiêm trọng nhà dài cổ. Nếu không có một phương án bảo tồn, không lâu nữa Tây Nguyên sẽ không còn nét cổ xưa của đại ngàn nắng gió.