Tay không khó bắt “cát tặc”

ANTĐ - Phòng ngừa, đấu tranh “nạn” khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống ở Hà Nội hiện được xem là một trong những trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát môi trường, từ cấp Phòng đến các đội ở  quận, huyện, thị xã có các tuyến sông chảy qua. Ghi nhận thực tế cho thấy số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý tăng mạnh sau khi thành lập Cảnh sát môi trường. 

Không quá khó để trả lời câu hỏi “vì sao” đối với thực trạng rút ruột dòng sông vẫn diễn ra? Trọng trách chính được giao, song Cảnh sát môi trường lại không hề có bất cứ phương tiện nào để thực hiện việc trinh sát, đuổi bám, tiếp cận và bắt giữ tàu vi phạm. Để bắt quả tang tàu hút cát, “lính” môi trường phải đi thuê tàu của các hộ thuyền chài. Tiếp cận được tàu hút cát trái phép rồi, khó khăn sẽ nảy sinh nếu chủ tàu bất hợp tác bằng cách tắt máy, rút chìa khóa và… nhảy xuống sông. Trong tình huống này, nếu lực lượng chức năng không chủ động thuê người biết điều khiển tàu, sẽ bó tay.

Chưa dừng lại ở đó, khó khăn còn nảy sinh trong quá trình xử lý tàu hút cát trái phép. Theo quy định, tàu hút cát sẽ bị tạm giữ 30 ngày. Chủ tàu “sợ” nhất chế tài này, bởi đồng nghĩa với việc không có phương tiện mưu sinh. Còn Cảnh sát môi trường nói riêng cũng “sợ” không kém, vì không có địa điểm “nhốt” tàu. Một số địa bàn xa như Sơn Tây, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn may ra còn có bến bãi, còn mấy địa bàn nội đô như Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, việc tìm, thuê được điểm giữ tàu còn khó không kém việc bắt quả tang tàu hút trộm cát.

Một lực lượng khác cũng được xem là chủ công trong công tác đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép, là Cảnh sát giao thông đường thủy. Lâu nay, Cảnh sát đường thủy có “bắt” tàu cát, nhưng phải khẳng định chưa hiệu quả. Minh chứng: chỉ riêng mấy địa bàn gần như huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Tây Hồ, quận Long Biên, chỗ nào cũng hình thành điểm nóng về khai thác cát trái phép. Có phương tiện và kinh nghiệm đường thủy, nhưng Cảnh sát đường thủy chưa phát huy được tối đa sở trường. Một yêu cầu cần thiết song lâu nay cũng chưa đạt được, là có rất ít sự phối hợp giữa Cảnh sát đường thủy với Cảnh sát môi trường, công an các quận, huyện trong xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Sự ít phối hợp này, cộng với cái khó về phương tiện và kỹ năng sông nước của Cảnh sát môi trường, khiến “cát tặc” ngày càng lộng hành.