Tẩy chay thịt lợn: Cực đoan dễ sinh hậu quả

ANTĐ - Thông tin về chất tạo nạc trong lợn thời gian qua đã và đang khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, làm người chăn nuôi lao đao. Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên tẩy chay thịt lợn một cách cực đoan.

Cơn “sốt” thịt có thể lặp lại

Tẩy chay thịt lợn: Cực đoan dễ sinh hậu quả  ảnh 1
Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc thịt lợn, không nên tẩy chay

Những ngày qua, giá thịt lợn trên thị trường cả nước tụt dốc thê thảm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá thịt lợn xuất chuồng giảm từ 20-30% so với trước. Không những thịt lợn mất giá mà sức tiêu thụ  cũng giảm rõ rệt. Tại các chợ trên địa bàn TP, lượng thịt lợn tiêu thụ giảm mạnh trong 10 ngày qua. Nhiều người chăn nuôi đã tính  giảm đàn để bớt khó khăn. Nếu điều này xảy ra, rất có thể dẫn đến thiếu thịt vào thời điểm giữa năm. 

Thực tế, theo ông Sơn lượng thịt lợn bị phát hiện có chứa hormone tăng trưởng (còn gọi tăng trọng, chất kích nạc) chỉ là số ít, do các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở một số tỉnh phía Nam lén lút sử dụng, chứ không phải tất cả nguồn thịt lợn bán trên thị trường hiện nay đều có nhóm Beta-Agonist. Hơn nữa, tại những nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, người chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa từ đây để nuôi lợn, khi xuất chuồng đã tạo độ nạc. Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn bởi kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, xét nghiệm trên 5 mẫu thịt tươi lấy tại một số chợ Hà Nội không phát hiện hoá chất nhóm Beta - Agonist. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm tra, lấy mẫu giám sát trên thị trường. 

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các chất kích thích như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine dù thuộc danh mục cấm, song nếu sử dụng với liều lượng nhiều mới nguy hại. Trên thực tế, vẫn có những chất cấm dùng trong sản xuất nông sản, thủy sản nhưng lại sử dụng trong thuốc chữa bệnh. Hay ở Mỹ, trong nhóm Beta - Agonist dùng làm thức ăn chăn nuôi, chỉ có hai chất Clenbuterol, Salbutamol là cấm sử dụng, còn chất Ractopamine vẫn cho phép các chủ chăn nuôi sử dụng, với điều kiện phải đảm bảo thời gian cách ly. “Ngay cả các vận động viên cơ bắp, thể hình trên thế giới và của Việt Nam hiện nay cũng sử dụng nhóm hoạt chất trên để tạo cơ bắp theo sự chỉ định của các chuyên gia dinh dưỡng và y tế”, ông Phùng Hữu Hào nói. 

Cảnh giác nhưng đừng cực đoan

Trong năm 2011, để làm rõ chất tăng trọng, Bộ NN&PTNT đã thành lập nhiều đoàn đi thanh tra, kiểm tra tại các đầu mối giết mổ, chợ tiêu thụ trong cả nước và thu thập hàng trăm mẫu thịt. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt có sử dụng hormone tăng trưởng, tạo nạc chỉ chiếm dưới 1%. Do vậy, Phó cục trưởng Hào khuyên người tiêu dùng, yên tâm sử dụng thịt lợn bình thường, không nên tẩy chay theo hình thức cực đoan, dễ dẫn tới hậu quả giá thịt lợn sẽ “sốt” cao như hồi tháng 6-7 năm ngoái. Ông Phùng Hữu Hào nói thêm: Khi ra chợ, bản thân người nội trợ cũng có thể phân biệt được loại thịt sử dụng thức ăn tăng trọng bằng việc quan sát màu sắc và đặc điểm thịt. Theo đó, thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phần mỡ chỉ khoảng 1cm. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều, thơm. 

Quan trọng hơn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và các địa phương kiểm tra, làm  rõ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, sử dụng các chất này. Cùng với sự vào cuộc của các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Công an, Y tế… và các địa phương có nghi tỷ lệ sử dụng cao như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… người tiêu dùng có thể phần nào yên tâm.