Tây Ban Nha thành lập Ủy ban phòng chống Ebola

ANTĐ - Hôm 10-10, Thủ tướng chính phủ Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã thành lập một ủy ban đặc biệt để đối phó với ảnh hưởng của dịch Ebola khi xuất hiện trường hợp đầu tiên tại châu Âu.

Phát biểu bên ngoài bệnh viện Carlos III của thủ đô Madrid, nơi mà y tá Tây Ban Nha 44 tuổi, người châu Âu đầu tiên bị nhiễm Ebola được điều trị, ông Rajoy thừa nhận tình hình đã trở nên "phức tạp và khó khăn", nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ đã có một kế hoạch rõ ràng về những gì cần phải thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Rajoy (giữa) cho biết chính phủ đã xác định rõ ràng về những gì cần phải thực hiện.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là Teresa Romero, bởi cô là người duy nhất mà chúng ta biết có bệnh", ông nói. Thủ tướng cũng cho biết thêm nhiệm vụ quan trọng thứ hai là tìm những người có nguy cơ bị lây nhiễm nhiều nhất và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hiện tại, 7 người Tây Ban Nha đang được theo dõi ttrong bệnh viện vì nghi ngờ bị nhiễm Ebola, trong đó có 2 người đã từng tiếp xúc trực tiếp với tóc của y tá Romero. Căn hộ của cô Romero ở Alcorcon, gần Madrid, đã được niêm phong và cách ly chặt chẽ. Được biết, y tá này bị nhiễm virus sau khi chạm đôi găng tay có mầm bệnh vào khuôn mặt của mình.

Thông điệp cảnh báo về Ebola đã xuất hiện ở nơi công cộng ở Tây Ban Nha

Theo báo cáo của phóng viên BBC, Lucy Williamson tại Madrid, các thông điệp cảnh báo dịch Ebola đã có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố, thể hiện một nỗ lực rất lớn của chính phủ Tây Ban Nha trong việc nâng cao ý thức người dân phòng tránh sự lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, Chris Dye – một quan chức y tế cao cấp của WHO nói với BBC rằng các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đã không thể dự đoán được quy mô của dịch Ebola.

"Chúng tôi đã đề nghị gói hỗ trợ y tế khoảng 1 tỷ USD, cho đến nay chúng tôi đã nhận được khoảng 300 triệu USD với nhiều cam kết của các quốc gia trên thế giới. Việc chúng ta cần làm hiện tại là ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Ebola”, ông nói.

Ông Dye cũng cho biết, một hy vọng mới trong công cuộc dập tắt dịch Ebola là việc thử nghiệm huyết thanh trên các nhân viên y tế tình nguyện ở Mali. Cuộc thử nghiệm này cũng được thực hiện ở một số quốc gia, và kết quả sẽ được gửi đến các chuyên gia để nghiên cứu và điều chế thuốc chống lại Ebola.

Sự bùng nổ của đại dịch Ebola thời gian qua đã giết chết hơn 3.860 người, chủ yếu ở Tây Phi, trong đó có hơn 200 nhân viên y tế, 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là  Guinea, Liberia và Sierra Leone, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).