Taxi truyền thống ứng dụng công nghệ chuyển mình sau cú "bắt tay" liên minh

ANTD.VN -Cuối năm 2018, dưới sức ép của xe công nghệ, taxi G7 đã ra đời như một  bước chuyển mình thay đổi, phù hợp với thời cuộc và cũng là tự làm mới mình. Thời điểm đó, không ít người đã hoài nghi về quyết định khá “liều” một của một số hãng taxi truyền thống ở Hà Nội.

Liều mình tiên phong

Đầu tháng 11/2018, G7 taxi chính thức ra mắt. G7 taxi là sự hợp nhất của 3 hãng taxi tầm trung trên địa bàn Hà Nội gồm Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội.

Thời điểm đó, việc hợp nhất này đã mang lại nhiều hoài nghi cho dư luận cũng như chính trong giới taxi truyền thống. Tuy vậy, qua thời gian hoạt động, đến nay G7 taxi đã chứng minh được con đường của mình lựa chọn là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển.

Theo tìm hiểu, vài năm trở lại đây, hoạt động của các hãng taxi công nghệ nở rộ nhanh chóng, đến nay, trên cả nước đã có khoảng 36.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ (trong đó tại Hà nội 15.000 xe, TP.HCM khoảng 21.000 xe). Tại Hà Nội có đến 77 hãng taxi nhưng hãng taxi nhiều xe nhất chỉ có gần 1.000 xe, rất khó để cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.

Từ 1/7 tới đây, hãng taxi ABC sẽ trở thành thành viên của taxi G7 và khi đó, G7 taxi sẽ là hãng taxi lớn nhất trên địa bàn Hà Nội 

Thêm vào đó, việc quản lý Nhà nước đối với loại hình taxi công nghệ này chưa theo kịp, chưa định danh được loại hình của taxi công nghệ, còn quá nhiều điểm bất cập tạo ra sân chơi không công bằng, bất bình đẳng trong hoạt động của 2 loại hình taxi truyền thống – taxi công nghệ.

Chính vì vậy, cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đã trở nên không cân sức, các hãng taxi truyền thống chịu nhiều thiệt thòi khách hàng giảm, doanh thu sụt, nhiều hãng taxi truyền thống nằm bên bờ vực phá sản. Đứng trước tình hình đó, các hãng taxi truyền thống buộc phải tự cứu lấy mình, tìm hướng đi cho mình, phải tự thay đổi để tồn tại và phát triển.

“Nhận thấy thị trường taxi truyền thống vẫn còn nhiều tiềm năng lợi thế cạnh tranh so với taxi công nghệ như giá cước ổn định không tăng trong giờ cao điểm, lái xe được đào tạo bàn bản, các hãng taxi thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi kinh doanh… Các hãng taxi truyền thống đang chỉ thua kém taxi công nghệ về độ phủ thị trường, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ. Chính vì vậy G7 Taxi ra đời nhằm kết nối, chia sẻ nguồn lực của các đơn vị taxi truyền thống”- ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 chia sẻ.

Công ty CP Quản lý G7 Taxi là đơn vị không sở hữu phương tiện, không ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lái xe mà chỉ quản lý việc điều hành taxi, xây dựng và áp dụng công nghệ điều hành – kết nối, phát triển thương hiệu G7 Taxi, phát triển thị trường cho xe taxi hoạt động.

Các đơn vị thành viên là các pháp nhân độc lập, có đầy đủ năng lực kinh doanh vận tải taxi theo đúng các quy định của pháp luật. Là các doanh nghiệp sở hữu hợp pháp phương tiện, quản lý và ký hợp đồng với lái xe, thực hiện các công tác đảm bảo điều kiện an toàn, điều kiện kinh doanh vận tải đối với phương tiện và người lái, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Phương tiện của các đơn vị sẽ mang logo thương hiệu G7 Taxi và kinh doanh theo sự điều hành taxi của tổng đài G7 Taxi.

Các đơn vị thành viên ngoài việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng các quy định của pháp luật còn phải tuân thủ tiêu chuẩn dịch vụ chung của G7 Taxi nhằm đảm bảo hoạt động đúng luật định và đảm bảo tiêu chuẩn quản lý chất lượng dịch vụ của G7 Taxi.

Theo ông Dương Trí Thanh – Phó Tổng giám đốc công ty CP quản lý G7 taxi, phương tiện của các đơn vị thành viên sẽ gắn chung biểu trưng, logo, nhận diện thương hiệu của G7 Taxi. Sau khi sử dụng dịch vụ, khách hàng thanh toán giá cước theo đồng hồ tính tiền. Hình thức thanh toán linh hoạt bằng tiền mặt hoặc thanh toán điện tử thông qua hệ thống thanh toán của VNpay hoặc sử dụng séc thẻ taxi.

Thực tế trả lời

Có thể nói, G7 là hãng taxi truyền thống áp dụng mô hình công nghệ đầu tiên bỏ thương hiệu cũ khá có tiếng tăm do các đơn vị thành viên đã xây dựng và phát triển trong nhiều năm. Kết quả sau 9 tháng hoạt động từ tháng 10/2018 đến nay, G7 Taxi và các đơn vị thành viên cũng đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Số lượng cuốc khách gọi qua tổng đài G7 Taxi đạt mức tăng trưởng ổn định, đến nay đã tăng 60% so với trước thời điểm tháng 10/2018. Đây là kết quả khả quan ban đầu, có thể nói lên khách hàng đã đón nhận và dần tin tưởng một thương hiệu taxi mới tại Thủ đô.

Lãnh đạo G7 Taxi chia sẻ, độ  phủ của phượng tiện rộng khắp các quận nội thành Hà Nội, tỷ lệ đáp ứng có xe phục vụ khách hàng tăng 15%, tỷ lệ chạy rỗng đối với lái xe giảm 10% so với trước đây, qua đó cải thiện thu nhập đáng kể đối với lái xe, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên.

Hệ quả tất yếu của cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là xu hướng hợp tác, liên kết, là việc chia sẻ các nguồn lực để tạo nên sức mạnh lớn hơn. Sau mô hình khởi đầu của G7 Taxi, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, kết nối, chia sẻ... gần tương tự với G7 Taxi tại Hà Nội và các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...

Hiện nay, G7 Taxi cũng đã nhận được nhiều đề nghị xin gia nhập G7 Taxi của nhiều hãng taxi tại Hà Nội và tại các tỉnh thành khác.

Anh Trần Văn Thành – lái xe taxi G7 chia sẻ, trước đây anh làm cho hãng taxi Ba Sao và gia nhập taxi G7 cách đây 1 năm. Anh Thành cho hay, taxi G7 có hệ thống app rất tiện lợi giúp anh chủ động hơn cho việc đón khách, ít khi phải chạy xe “rỗng” hay mất quá nhiều thời gian để đợi khách. Anh Thành cũng cho biết, mức phí quản lý mà anh phải nộp cho Công ty taxi G7 hiện nay không cao hơn mức trước đây mà công ty Ba Sao thu.

Cùng quan điểm với đồng nghiệp của mình, lái xe Nguyễn Hữu Định cho hay, từ khi gia nhập G7 taxi, anh có nhiều khách hơn và thu nhập cũng tốt hơn trước đây. Việc sử dụng app trên điện thoại thông minh được anh Định cho là dễ sử dụng và khá hiệu quả.