Taxi truyền thống lo taxi công nghệ "cướp nồi cơm"

ANTD.VN - Taxi công nghệ như Grab hay Uber dù mới xuất hiện trên thị trường vận tải Việt Nam nhưng đã làm chao đảo và tạo làn sóng phản ứng khá dữ dội từ taxi truyền thống. 

Taxi truyền thống kiến nghị thuế của Grab và Uber nên là 5%

Theo các hãng taxi, trước sức ép của taxi công nghệ, taxi truyền thống cũng đã buộc phải “chuyển mình” nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy định như phải có đủ số lượng xe, có trụ sở hoặc văn phòng, có nơi đỗ xe, có logo, mào xe và công khai giá cước nên vẫn thua taxi công nghệ.

Kiến nghị tăng thuế đối với Grab và Uber

Đại diện nhiều đơn vị taxi truyền thống than phiền, mỗi lần taxi muốn thay đổi giá cước đều phải làm thủ tục đăng ký trước 3 ngày và phải giải trình lý do tăng, giảm. Còn xe hợp đồng sử dụng ứng dụng Grab, Uber được tự do làm giá, không cần đăng ký giải trình. Đáng nói, dù đăng ký hoạt động là xe hợp đồng ứng dụng công nghệ nhưng hoạt động của Grab, Uber đều tương tự taxi.

Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh taxi cho rằng, thiếu bình đẳng. “Xe hợp đồng sử dụng Grab hay Uber chở khách họ thoải mái làm giá, có thể hạ giá thấp và tự ý tăng cao gấp 2-3 lần so với giá cước mà không bị cơ quan chức năng nào quản lý hay nhắc nhở” - ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, các xe sử dụng phần mềm Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn lan. Nếu cơ quan chức năng không quản lý được thì nên dừng Đề án thí điểm, đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và ùn tắc giao thông.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, cách tính thuế cho Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang chịu gồm 10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu cho ngành thuế. 

Theo đó, ông Tạ Long Hỷ cho rằng, nếu taxi truyền thống cũng được tính thuế “mềm” như Uber và Grab thì giá cước chắc chắn sẽ thấp hơn hiện nay, sự cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống không có một khoảng cách quá xa như vậy. Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%.

Taxi truyền thống phải thay đổi

Trả lời vấn đề liệu có thất thu thuế của Uber, đại diện Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho biết, mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu, doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo đại diện Vụ Chính sách thuế, Uber là doanh nghiệp của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên ấn định thuế trên doanh thu. Các bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bởi hiện nay chỉ đánh vào pháp nhân nước ngoài. Nếu quản lý được số kilomet xe, đầu xe thì có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber. 

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống là do lỗi của cơ chế và đến lúc phải thay đổi. Hiện nay, thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên phải đổi mới về cơ chế. Theo quan điểm của ông Ngô Trí Long, mặt hàng nào độc quyền thì Nhà nước phải quy định giá trần, nếu cạnh tranh thực sự để thoải mái về giá, không ngăn cản, triệt tiêu làm hạn chế sự phát triển cái mới.

Đồng tình quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra chính kiến về cách ứng xử  với Uber, Grab như thế nào cho đúng.

“Các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý, qua Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ. Bình đẳng về thuế phí cũng rất quan trọng, Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Ít quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối mà làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế”, ông Đậu Anh Tuấn  nhìn nhận.