Taxi không muốn giảm giá cước

ANTĐ - Theo ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sau nhiều lần điều chỉnh giá xăng dầu, các đơn vị vận tải, taxi cần tính toán để điều chỉnh giảm giá cước. 

Taxi không muốn giảm giá cước ảnh 1Các doanh nghiệp băn khoăn việc điều chỉnh cước vì giá xăng biến động liên tục

Doanh nghiệp khó bắt nhịp 

So với mức giá kỷ lục 25.640 đồng/lít tại thời điểm 7-7-2014, đến nay giá xăng đã giảm tới 3.300 đồng (gần 13%) sau 8 lần điều chỉnh giảm liên tiếp. Các mặt hàng như dầu diezel cũng giảm tới 3.060 đồng/lít, dầu hoả giảm tới 2.890 đồng/lít... 

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô - ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích: “Giá xăng giảm 12,7%, dầu giảm 13,2%, trong khi đó chi phí xăng dầu chiếm 40%-50% tổng chi phí vận tải. Nếu giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp vận tải phải tính toán để giảm giá cước. 

Taxi chính là dịch vụ đầu tiên phải tính toán lại. Giá xăng giảm 12,7% thì giá cước taxi có thể giảm tương ứng được 5- 6%, bằng khoảng 600-1.000 đồng/km tùy từng hãng”, ông Thanh tính toán.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, giá cước vận tải không thể điều chỉnh  ngay như giá xăng dầu vì quy định pháp luật phức tạp. Taxi sẽ phải đặt lại đồng hồ, rất tốn kém cho doanh nghiệp. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc điều chỉnh giá cước, bởi hiện nay giá xăng dầu thường xuyên được điều chỉnh theo giá thế giới. Hôm nay giảm giá thì ngày mai có khi lại điều chỉnh tăng. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Liên bộ Tài chính - Công Thương cố gắng ổn định giá xăng dầu trong khoảng 1 năm hoặc ít nhất 6 tháng bằng cách sử dụng quỹ bình ổn để các doanh nghiệp vận tải có cơ sở tăng - giảm giá theo lộ trình phù hợp. 

Ngoài ra, theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp, giá nhiên liệu giảm nhưng nhiều loại phí lại ở mức cao và có xu hướng tăng như phí bảo trì đường bộ, phí qua trạm thu hồi vốn BOT, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm... ảnh hưởng đến khả năng giảm giá cước. 

Cước taxi khó giảm tiếp

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, tháng 6 – 2013, khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp taxi có tăng giá cước 500 đồng/km (từ 11.500 đồng lên 12.000 đồng). Sau đó, suốt trong một thời kỳ dài giá xăng tiếp tục điều chỉnh và đỉnh điểm là tháng 4-2014. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp taxi chia làm 2 nhóm là tăng giá và không tăng giá. 

“Nhóm các doanh nghiệp taxi không tăng giá vẫn giữ nguyên giá cước từ tháng 6-2013 là 12.000 đồng/km. Giá xăng tại thời điểm tháng 6-2013 và giá xăng tại thời điểm hiện nay là gần bằng nhau. Với nhóm này, khi giá xăng tăng lên và giảm xuống, họ không thực hiện điều chỉnh giá cước cho nên hiện tại họ vẫn giữ nguyên như giai đoạn từ tháng 6-2013 đến nay. Giá xăng hiện nay giảm cũng chỉ đủ bù vào thời điểm giá xăng tăng. Về cơ bản, các doanh nghiệp này không tăng giá cước nên thời điểm hiện nay giá xăng giảm họ vẫn giữ nguyên là hợp lý”, ông Đỗ Quốc Bình phân tích.

Với nhóm điều chỉnh tăng giá cước ở thời điểm tháng 4-2014 với mức tăng từ 500 – 1.000 đồng/km, ông Đỗ Quốc Bình cho biết:  “Thời gian qua các đơn vị này đã thực hiện điều chỉnh giảm về ngang mức tháng 6-2013”.   

Theo ông Đỗ Quốc Bình, quy trình điều chỉnh giá cước taxi tương đối phức tạp và tốn kém đối với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải làm các thủ tục để đăng ký giá cước với cơ quan quản lý mất vài tuần lễ. Khi nào cơ quan quản lý chấp thuận, doanh nghiệp mới được điều chỉnh. 

Các doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh mà phải tới một đơn vị điều chỉnh đồng hồ cho từng xe bằng phần mềm, phá bỏ kẹp chì cũ, tem cũ. Sau khi điều chỉnh xong phải tới cơ quan quản lý về đo lường, kiểm định lại, dán tem mới được lưu hành. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải in lại toàn bộ bảng giá cước và thông báo cho toàn bộ khách hàng về việc điều chỉnh giá. 

“Quy trình rất phức tạp, đặc biệt để thực hiện thì các xe phải dừng hoạt động đồng nghĩa với việc thiệt hại tài chính. Chi phí điều chỉnh giá cước lên tới 500.000 – 1 triệu đồng mỗi xe. Trong khi đó, giá xăng hôm nay có thể tăng, nhưng nay mai có thể xuống nên thông thường các doanh nghiệp phải đợi một thời gian dài mới thực hiện điều chỉnh”, ông Đỗ Quốc Bình chia sẻ.