Taxi công nghệ nở rộ, "nồi cơm" taxi truyền thống vơi nhiều

ANTĐ - Trong khi người dân ngày càng kém thiện cảm với taxi truyền thống bởi sự chây ỳ không giảm cước, lái xe ý thức kém, taxi dù... thì taxi công nghệ như  Uber taxi, Grab taxi đang tìm mọi cách để nâng cao chất lượng dịch vụ bằng công nghệ, trực tiếp đe dọa đến “nồi cơm” của taxi truyền thống.

Từ e dè đến hợp pháp hóa

Đầu tháng 1-2016 vừa qua, Bộ GTVT đã chính thức phê duyệt "Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”.

Theo đó, sẽ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh trong vòng 2 năm, từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018. Bộ GTVT cho biết, đơn vị tham gia thí điểm có Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng. Trong quá trình thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng đề án trên phạm vi cả nước.

Taxi online đang ngày càng phát triển mạnh khiến taxi truyền thống "lo ngại"

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT là một trong những chính sách đề cao lợi ích người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm.“Đề án này sẽ giúp thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách và mang lại nhiều sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Cạnh tranh luôn là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc giảm giá”, ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ngày 28-1 vừa qua, Grab đã chính thức nâng cấp ứng dụng đặt xe trên điện thoại thông minh, cung cấp thêm nhiều tính năng mới, khắc phục những nhược điểm trước đây. Ví dụ như, cải tiến định vị vị trí hành khách chính xác hơn, tính năng “Flash” bắt buộc yêu cầu lái xe tham gia hệ thống Grab phải đón khách, ngay cả những chuyến đi ngắn vào giờ cao điểm, tính năng trả tiền qua thẻ thanh toán Visa... Theo tiết lộ, Grab đang tính đến bài toán mở văn phòng đại diện tại Mỹ, thu hút nhân tài trong công nghệ thông tin để tiếp tục cải thiện ứng dụng phần mềm đặt xe Grab.

Sẽ vượt mặt taxi truyền thống?

Cũng bởi vậy mà tốc độ phát triển của Grab ở Việt Nam khá thần tốc. Trung bình mỗi tháng số lượng người sử dụng dịch vụ Grabcar tăng 35%. Ông Nguyễn Trọng Đan, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam cho hay, Grab hiện đã trở thành một ứng dụng đặt xe hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến dịch vụ, quản lý chặt chẽ việc hợp tác với các hãng taxi trong nước và các xe hơi chạy theo hợp đồng, tăng cường huấn luyện tài xế, không ngừng cải tiến phần mềm... để Grab không chỉ hợp pháp mà còn thực sự là một dịch vụ đáng tin cậy với tất cả người dùng,” ông Nguyễn Trọng Đan chia sẻ.

Taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng, giá cước

Còn với Uber, mặc dù đề án ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải của đơn vị này đã bị Bộ GTVT trả về vào tháng 10-2015 nhưng đến nay, phía công ty vẫn chưa có động thái gì thêm. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh, kết nối trong việc đặt xe của hành khách đến lái xe tham gia hệ thống Uber vẫn hoạt động bình thường trên lãnh thổ Việt Nam.

Đáng nói, theo Sở GTVT TP.HCM hiện có khoảng 4.000 lái xe tham gia mạng lưới Uber, trung bình mỗi ngày chuyển lợi nhuận 1 tỷ đồng về Hà Lan. Song, Cục thuế TP.HCM đến thời điểm này vẫn chưa thu được bất kỳ đồng thuế nào của Uber ở Việt Nam vì mọi hoạt động ký kết, thu tiền đều do công ty mẹ ở Hà Lan đứng ra đảm nhiệm. Công ty Uber ở Việt Nam chỉ giúp thúc đẩy thị trường.

Trong bối cảnh hoạt động vận tải khách công cộng ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt thì việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, tăng tính tiện ích cho người tiêu dùng rõ ràng là một lợi thế.

Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa thông tin, địa phương hiện có 3.000 xe khách, 1.000 taxi và 8.000 xe tải trong khi cán bộ quản lý vận tải chỉ có 2 người, nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực vận tải thì rất khó quản lý. Theo dự báo, trong thời gian tới sẽ còn thêm nhiều ứng dụng như Uber, Grab trong lĩnh vực vận tải vì sau thí điểm, Bộ GTVT sẽ hợp pháp hóa các hoạt động hỗ trợ này. Nếu taxi truyền thống không nhìn lại mình, thay đổi hoạt động thì “nồi cơm” sẽ còn bị san sẻ.