Tàu xe “rủ nhau” tăng giá vé dịp Tết

ANTĐ - Trong khi chi phí đầu vào gần như không biến động, giá vé tàu xe,  máy bay vẫn ngang nhiên “hẹn” nhau tăng giá vào dịp Tết Nguyên đán. Kiểu tăng giá này như bắt chẹt hành khách bởi đi lại cuối năm là nhu cầu cấp thiết.

Giá vé đi lại dịp Tết Nguyên đán 2014 tăng từ 2-10% trên các loại hình vận tải

Tàu hỏa, máy bay đua nhau tăng giá

Năm nay, ngành đường sắt công bố lịch trình bán vé tàu Tết sớm hơn mọi năm. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, từ 10-10 đơn vị này đã bắt đầu bán vé tàu Tết Nguyên đán trên cả hai đầu Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, số lượng vé chiều ra (từ Nam ra Bắc) đã bán được khoảng 86%, số lượng vé chiều vào (từ Bắc vào Nam) đã bán được khoảng 46%.

Dịp Tết Nguyên đán 2014, ngành đường sắt tăng giá vé tàu từ 2-10% so với Tết năm 2013. Mức tăng này phần lớn áp dụng đối với ghế ngồi, còn vé giường nằm tăng không đáng kể. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội thì cơ sở để tăng giá vé tàu căn cứ vào lịch chạy tàu lệch đầu, việc chạy rỗng tàu gây tốn kém chi phí nên buộc phải tăng giá vé để bù lỗ. Với mức tăng này, trong đợt cao điểm Tết, giá vé chiều TP.HCM - Hà Nội tăng cao nhất ở mức 1,138 triệu đồng/vé ngồi cứng (hiện là 907.000 đồng/vé), nằm mềm là 1,990 triệu đồng/vé (hiện 1,725 triệu đồng/vé)… Ngành đường sắt cũng cho hay, giá vé này  tương đối ổn định, được kiểm soát chặt chẽ, không tăng theo thời vụ và tăng trong khung giá trần cho phép.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, các hãng hàng không đều tăng trong khung cho phép và có lộ trình phù hợp. Đại diện Vietnam Airlines dự kiến, trong khoảng 5 tuần từ 15-1 đến 23-2-2014 là thời gian cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 9.321 chuyến trên tất cả các đường bay, tăng 27% so với Tết Nguyên đán 2013. Hiện tại, số lượng vé chiều cao điểm trước Tết (từ Nam ra Bắc) đã bán trên 40%, chiều cao điểm sau Tết (từ Bắc vào Nam) số lượng vé đã bán ra thấp hơn một chút. “Vietnam Airlines có điều chỉnh về giá vé phục vụ Tết Nguyên đán nhưng đều trong phạm vi giá trần và có kê khai với Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 15 ngày trước khi thực hiện”, đại điện Vietnam Airlines lý giải.

Dân “méo mặt”, vận tải thu lời 

Trên website đặt chỗ của Vietnam Airlines trong những ngày cao điểm Tết chỉ có 2 mức giá hạng thương gia và phổ thông. Trên đường bay trục đông khách nhất là TP.HCM - Hà Nội, giá cao nhất là vé hạng thương gia, 5,56 triệu đồng/chiều và hạng phổ thông đồng giá 2,997 triệu đồng/một chiều. Vé hạng phổ thông của Jetstar Pacific từ TP.HCM - Hà Nội trong các ngày cao điểm từ 22 - 30 tháng Chạp có giá 2,65 triệu đồng/chiều, riêng ngày 28 tháng Chạp là  2,8 triệu đồng/chiều, trong khi một tuần lễ trước ngày 22 tháng Chạp giá vé chỉ từ 1,42 - 2,05 triệu đồng/chiều. Vé của VietJetAir những ngày cao điểm có giá 2,62 triệu đồng/chiều cho loại vé Eco (được thay đổi ngày, giờ bay, hành trình và tên hành khách trước 24 giờ so với giờ khởi hành). Vé Tết của 2 hãng này tuy có rẻ hơn nhưng lại chỉ miễn cước 7 kg hành lý xách tay, hành lý ký gửi phải trả cước, tính ra cũng tương đương giá vé của Vietnam Airlines. Theo nhận định của một số chủ đại lý bán vé máy bay, thì giá vé Tết của tất cả các hãng năm nay đều tăng so với năm ngoái, mức tăng khoảng vài trăm nghìn đồng/vé, tùy chặng.

Không những máy bay, tàu tăng giá, bến xe Miền Đông (TP.HCM) cũng vừa công bố giá vé đi lại dịp Tết Nguyên đán 2014. Mặc dù nhận định lượng khách đi lại không tăng so với năm 2013, nhưng giá vé vẫn tăng từ 20% đến kịch trần là 60%, tùy thuộc vào ngày đi và chuyến đi. Các tuyến có lượng hành khách tăng cao gồm tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Theo lý giải, việc tăng giá vé xe để bù cho chi phí chạy chiều rỗng. 

Mới đây, trong buổi họp với các đơn vị vận tải về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu, trong điều kiện kinh tế khó khăn, phải hạn chế tối đa việc tăng giá vé, nếu tăng chỉ tăng trong khung giá trần cho phép! Trong khi chi phí đầu vào không biến động lớn nhưng nhu cầu đi lại tăng cao thì các ngành vận tải lại nhằm dịp này để tăng giá vé. Mọi lý giải từ các hãng vận tải đều không hợp tình hợp lý khi mà cuối năm, việc đi lại của người dân gần như là bắt buộc. Để thêm chi phí mua được tấm vé tàu, xe về quê dịp Tết, hàng triệu người dân đi làm xa quê phải “bớt ăn, bớt tiêu”, nhưng các hãng vận tải thì lại thu lợi nhuận lớn trong dịp này.