Đi lại dịp Tết:

Tàu xe đều tăng giá

ANTĐ - Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán, từ Bộ GTVT đến Sở GTVT đều có chỉ đạo các hãng vận tải hành khách bình ổn giá. Tuy nhiên, chỉ đạo của cơ quan quản lý xem chừng đã bị các hãng phớt lờ khi mà giá vé từ ô tô, tới tàu hỏa dịp cuối năm đồng loạt thông báo tăng.

Ngoài nỗi lo tàu xe, người tiêu dùng còn lo giá vé tăng cao

Cứ tăng dù đã có chỉ đạo

Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cho biết, dịp tết năm nay sẽ không thiếu vé để phục vụ người dân, nhưng vé xe tết năm nay sẽ có phụ thu từ 20 - 60% tùy theo tuyến đường và ngày khởi hành. Mức phụ thu này được lý giải đủ để bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp trong các chiều vắng khách, để kịp quay đầu giải tỏa khách ở đầu đông. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thực chất mức tăng dịp cuối năm nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng đã đến cả 100%. Bởi, một số hãng vận tải đã gửi đăng ký điều chỉnh giá vé so với ngày thường từ 10-20%.

Vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đã họp bàn với các bến xe để bình ổn giá cước vận tải cuối năm. Đại diện các bến xe trên địa bàn TP đều cam kết, sẽ quản lý, kiểm tra không để các DN vận tải tùy tiện tăng giá vé. Song, cam kết này mới chỉ được Hiệp hội Vận tải và các bến xe tham gia, mà thiếu cam kết từ phía các DN vận tải, bên chủ chốt. Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bến xe Hà Nội, thì chỉ có khoảng 60% các DN vận tải chấp hành niêm yết giá vé trên xe.

Hàng không tăng giá, xe khách tăng giá và đương nhiên ngành đường sắt cũng không ngoại lệ. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, giãn bớt ngày đông khách, thu hút hành khách chiều vắng khách, trong dịp tết, ngành áp dụng giá vé linh hoạt. Cụ thể: ngành điều chỉnh tăng 10% giá vé hiện hành đối với các mác tàu số chẵn trước tết (tàu chạy theo hướng từ Sài Gòn ra Hà Nội) và các mác tàu số lẻ sau tết (hướng Hà Nội vào Sài Gòn). Riêng thời gian cao điểm từ 0h ngày 14 đến 21-1-2012 và từ ngày 26-1 đến 3-2-2012, điều chỉnh tăng từ 19-39%.

Tăng vì tình thế bắt buộc?

Như vậy, thay vì thực hiện bình ổn giá vé vận tải dịp cuối năm như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, để có được tấm vé lưu hành về quê hoặc đi lại người dân bắt buộc phải trả mức phí cao hơn. Ngoài nỗi lo về tàu xe bắt chẹt, nhồi nhét khách, người tiêu dùng lại phải gánh thêm một nỗi buồn vì giá.

Tổng công ty Đường sắt cũng giải thích nguyên nhân  tăng giá vé tàu tết là do luồng hành khách di chuyển trong dịp tết không cân bằng (một chiều đông khách và một chiều rỗng). Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2011 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng đến 40%, trong khi tổng công ty chưa tăng giá vé lần nào, vì thế việc tăng giá vé là điều khó tránh khỏi. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc tăng giá vé máy bay là bắt buộc, mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được quan tâm nhưng với những chi phí bắt buộc phải tăng thì phải điều chỉnh. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng đã cân nhắc chỉ điều chỉnh ở mức thấp nhất, giảm thiểu tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đến chỉ số giá cả.

Còn tại bến xe Miền Đông thông báo sẽ tính phụ thu giá vé xe khách tết, thì tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Trung-Giám đốc Công ty Quản lý bến xe cho biết, cho tới thời điểm này chưa có DN vận tải nào hoạt động tại bến xin tăng giá. Ông Trung lý giải, do phía Nam có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông, nên nhu cầu đi lại dịp cuối năm cao hơn. Tại Hà Nội, hầu hết các xe khách có lượng khách đều như nhau ở cả hai chiều, chủ yếu trong phạm vi 300km đổ lại, nên với việc tăng giá vé các doanh nghiệp đều rất thận trọng.