“Tàu xe” cho ông Công, ông Táo đã sẵn sàng

(ANTĐ) - Các cửa hàng lớn trong làng cá cảnh Yên Phụ đã nhập về hàng tạ cá chép đỏ, sẵn sàng tung ra thị trường Hà Nội cho ngày 23 tháng Chạp sắp tới.

“Tàu xe” cho ông Công, ông Táo đã sẵn sàng

(ANTĐ) - Các cửa hàng lớn trong làng cá cảnh Yên Phụ đã nhập về hàng tạ cá chép đỏ, sẵn sàng tung ra thị trường Hà Nội cho ngày 23 tháng Chạp sắp tới.

"Tàu xe" cho ông Công ông Táo đã sẵn
"Tàu xe" cho ông Công ông Táo đã sẵn

Đến nơi “sản xuất tàu xe” cho ông Táo

“Trung tâm cá cảnh số 1”- tên cơ sở cá chép giống của gia đình anh Huy (Bắc Giang). Cả gia đình sống trong ngôi nhà rộng chừng 100m2, còn bao xung quanh toàn là ao và hồ cá. Anh Huy cho hay, ươm cá cảnh giống và cá thương phẩm vốn là truyền thống của gia đình. Trên diện tích đất rộng chừng 13.000m2, anh cho xây dựng chừng 15 ao, hồ để ươm các loại cá khác nhau.

Gia đình anh Huy sống trong ngôi nhà này, xung quanh là các bể, hồ cá bao bọc
Gia đình anh Huy sống trong ngôi nhà này, xung quanh là các bể, hồ cá bao bọc

Chiếm chủ đạo trong đó là cá chép đỏ. Ban đầu, anh Huy nhập cá giống từ Trung Quốc về để ép đẻ, tuy nhiên do chưa hợp thổ nhưỡng, cá bị chết nhiều. Sau này, anh nhập cá nội ngay từ các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Nam Định… với ưu điểm, giá thành rẻ, thuần- dễ nuôi, và thành công.

“Cá chép có đặc điểm khác với nhiều loại cá cảnh nhiệt đới khác là chúng chịu lạnh rất tốt”- anh Huy nói- “chỉ cần hồ sâu đủ tiêu chuẩn để chúng có thể bơi xuống tầng nước đáy tránh gió lạnh là sống khỏe”.

Một góc của "trung tâm cá cảnh số 1 Bắc Giang"
Một góc của "trung tâm cá cảnh số 1 Bắc Giang"

Trước ngày ông Công, ông Táo năm nay cả 2 tuần, cơ sở cá cảnh của anh Huy đã kịp xuất ra thị trường hàng tạ cá chép đỏ loại nhỏ, hiện trong hồ chỉ còn lại những con cá chép giống to cỡ bắp vế người lớn. “Hầu hết là các cửa hàng cá tại Hà Nội về mua, ngoài ra còn có một số thương lái từ các tỉnh lân cận. Chỉ trong 1,2 ngày là bán hết sạch”- anh Huy cho biết.

Nhập cá theo tạ, bán ra theo… con

Các hộ kinh doanh cá cảnh trong làng Yên Phụ (Hà Nội) có thể coi là điểm trung chuyển cá chép đỏ, trước khi tung ra thị trường ngày ông Công, ông Táo.

Một mẻ cá chép đỏ giống
Một mẻ cá chép đỏ giống

Ngày thường, các hộ này nhập các loại cá cảnh từ Trung Quốc về bán. Đến dịp ông Công, ông Táo thì tranh thủ kiếm thêm lợi nhuận từ cá chép đỏ. Cách đây chừng dăm năm, đến những ngày này thì cá chép đỏ có xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc) vẫn là mặt hàng chủ đạo. Tuy nhiên do Quảng Châu cách Hà Nội đến gần 1.000km, nên chi phí vận chuyển cao, cá đi xa về mệt lại tốn tiền dưỡng cho khỏe, chưa kể số cá chết… nên tiền lãi không được bao nhiêu.

Cá chép đỏ bơi đặc hồ xi măng
Cá chép đỏ bơi đặc hồ xi măng

Những năm lại đây, do các cơ sở cá giống trong nước như của anh Huy đã chủ động được nguồn hàng, nên các lái thương trong làng Yên Phụ xoay ra theo hướng này. Cá chép đỏ được mua tại hồ với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg (tùy theo bầy to, bầy nhỏ, đỏ rực rỡ hay đỏ vừa…); mỗi hộ kinh doanh cá cảnh trong làng Yên Phụ có thể mua tới hàng tạ.

Sau đó, tới lượt các cửa hàng cá nhỏ hơn ở các phố như Hoàng Hoa Thám, Hàng Đậu, chợ Mơ, chợ Thành Công, chợ Đồng Xuân… sẽ đến nhập lại theo… con, trung bình 10.000 đồng/con. Cuối cùng, “tàu xe” cho ông Công, ông Táo sẽ đến tay các gia đình với giá khoảng 12.000-15.000 đồng/con.

Cao Minh