Tàu Trung Quốc đâm biến dạng tàu Kiểm ngư Việt Nam

ANTĐ - Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu 09 của Trung Quốc đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. Sau đó  ghìm chặt không cho tàu Kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm.

Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng nặng

Vào khoảng 9h30 ngày 23-6, khi tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam đang cách giàn khoan 11,5 hải lý về phía tây bắc thì bị 7 tàu Trung Quốc các loại, dàn hàng ngang lao ra vây ép. Với sự áp đảo hẳn về số lượng và kích cỡ, các tàu Trung Quốc đã bao vây và điên cuồng nhắm thẳng đến tàu Kiểm ngư 951.

Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu Hữu Liên 09 của Trung Quốc đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu Kiểm ngư 951. Sau đó  ghìm chặt không cho tàu Kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm.

Toàn bộ lan can mạn trái tàu Kiểm Ngư 951 bị sập, biến dạng.

Các kiểm ngư viên Việt Nam đang gia cố, sữa chữa tàu

Chỉ hai phút sau, tàu hải tuần 11 của Trung Quốc tiếp cận sau lái tàu Kiểm ngư 951 Việt Nam sử dụng vòi rồng phun nước với âm mưu tấn công tới tấp nhằm triệt tiêu sức sống của tàu Kiểm ngư 951 và uy hiếp đến cùng tinh thần của các kiểm ngư viên Việt Nam.

Tàu Kiểm ngư 951 đã vòng tránh thoát khỏi sự tấn công của tàu hải tuần 11 nhưng ngay sau đó tàu kéo Tân Hải 285 to lớn đã chạy tốc độ cao đâm thẳng vào chính giữa mạn trái. Tàu Kiểm ngư Việt Nam 951 bị liên tiếp hai cú đâm cực mạnh của tàu Trung Quốc.

Tàu Kiểm ngư 951 là một trong những tàu Việt Nam có thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa lâu nhất (từ ngày 3-5). Tàu kiểm ngư 951 đã bị các tàu Trung Quốc đâm va, uy hiếp nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tàu 951 bị thiệt hại nặng nhất. Hậu quả sau hai cú đâm hung hãn của tàu Trung Quốc đã khiến toàn bộ lan can mạn trái tàu Kiểm Ngư 951 bị sập, biến dạng.

Bản đồ dọc của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam
Trong mấy ngày qua, nhiều báo đài Trung Quốc như: Hoàn Cầu thời báo, Hồ Nam nhật báo, Tân Hoa xã, Tân văn xã, Đài Phượng Hoàng ra sức tuyên truyền về việc một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam phát hành bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của nước này, khác với thông lệ xưa nay bản đồ Trung Quốc thường có hình ngang.

Trong đó, tấm bản đồ ngang nhiên thể hiện cả đường lưỡi bò phi lý liếm gần trọn biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Nếu chiểu theo bản đồ này thì chiều rộng của Trung Quốc là 5.200 km, còn chiều dài lên tới 5.500 km vì được cộng thêm phần nằm trong đường lưỡi bò, một điều hết sức vô lý và ngang ngược.

Bản đồ dọc phi pháp của Trung Quốc "liếm" gần trọn biển Đông bao gồm cả
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Các bản đồ ngang hiện nay của Trung Quốc cũng thể hiện đường lưỡi bò, Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng nằm trong một ô vuông phía dưới bên phải với tỷ lệ nhỏ hơn. Vì thế, tấm bản đồ dọc trắng trợn nói trên là một bước đi mới của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam.

Nguy hiểm hơn là theo truyền thông Trung Quốc, bản đồ này sẽ được phân phối cho các trường tiểu học và trung học nước này. Điều này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thông tin sai lệch cho người dân và thế hệ trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Chuyên gia Mỹ bàn luận chiến lược phong tỏa Trung Quốc bằng cách cô lập về kinh tế

Trong bài viết mới đăng trên chuyên san The National Interest, hai nhà nghiên cứu T.X.Hammes và R.D.Hooker Jr. thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng khái niệm ASB của CSBA của Mỹ công bố báo cáo về khái niệm Chiến tranh không - biển (ASB) để đối phó chiến lược chống tiếp cận A2/AD của Trung Quốc cách đây 4 năm rất “mơ hồ, khó khả thi và khiêu khích”.

Theo hai chuyên gia này, chủ động tấn công các cơ sở của Trung Quốc vừa khó thực hiện vừa có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Điều này sẽ khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương lo ngại rằng lãnh thổ của mình sẽ bị dùng để phát động tấn công phủ đầu Trung Quốc và họ sẽ lãnh đủ nếu Bắc Kinh quyết định dùng vũ khí hạt nhân để phản đòn.

Từ đó, hai ông Hammes và Hooker Jr. đề xuất chiến lược quân sự mới mang tên “Kiểm soát ngoài khơi: Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất” mà họ cho là hiệu quả và ít tốn kém hơn so với ASB của CSBA cho một cuộc chiến tranh thông thường. Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia. Lâu nay, Trung Quốc vẫn xem đây là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu. Vì thế, ý định chiếm lĩnh biển Đông và Hoa Đông cũng nhằm một phần để mở đường “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất.

Theo chiến lược này Mỹ và đồng minh sẽ thành lập các vòng phòng thủ đồng tâm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vùng biển trong chuỗi đảo, bảo vệ lãnh hải và không phận của các quốc gia trong khu vực này, đồng thời kiểm soát không gian biển bên ngoài. Quan trọng nhất là không chủ trương tấn công Trung Quốc vì điều này có thể đẩy xung đột đến mức chiến tranh hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh tận dụng lợi thế địa lý để ngăn chặn tuyến đường xuất nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế nước này.

Cụ thể, Mỹ và đồng minh sẽ dùng tàu ngầm tấn công, thủy lôi, tên lửa hành trình và hệ thống phòng không để phong tỏa Trung Quốc bên trong chuỗi đảo. Khu vực này sẽ được tuyên bố thành vùng hạn chế hàng hải với cảnh báo các tàu vào khu vực sẽ bị bắt giữ hoặc đánh chìm. Khi đó, Mỹ có thể ngăn chặn tàu hàng và tàu dầu lớn ra vào, nhanh chóng cô lập nền kinh tế Trung Quốc. Chưa hết, tàu chiến, máy bay của nước này khi ra khỏi giới hạn lãnh hải 12 hải lý sẽ lập tức bị tấn công.

Theo The National Interest, Trung Quốc đã chi hàng trăm tỉ USD và mất nhiều thập niên nhưng vẫn chưa sánh được với các cường quốc hải quân. Mặt khác, trong năm 2012, nước này xuất sang châu Âu khoảng 9,74 tỉ tấn hàng hóa và nếu dùng đường bộ để vận chuyển thì phải cần ít nhất 1.000 đoàn tàu hỏa chở hàng/ngày.

Theo hai chuyên gia đánh giá,  Trung Quốc hiện đang tính toán rằng nước này có thể gây hấn, khiêu khích trên biển Đông lẫn Hoa Đông vì đủ khả năng chiến thắng trong một cuộc xung đột nhỏ, chớp nhoáng và ngắn hạn. Với “Kiểm soát ngoài khơi: Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất”, Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng thay vì một cuộc chiến ngắn, mình sẽ bị cuốn vào một vòng vây không có lối ra, dẫn đến sụp đổ kinh tế. Từ đó, nước này sẽ buộc phải tự kiềm chế trong các tranh chấp cũng như bỏ ý đồ dùng vũ lực thay đổi hiện trạng khu vực.