Tàu Trung Quốc chĩa súng, vây bắt tàu cá Việt Nam, xâm nhập lãnh hải Nhật Bản

ANTĐ - Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông khi ngang nhiên bắt giữ tàu cá và 6 ngư dân Việt Nam hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ, đồng thời đưa tàu vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.
Trung Quốc xác nhận bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận đã bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam trên biển Đông và cho biết, Trung Quốc bắt những ngư dân này vì họ đã “đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Trung Quốc” gần đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, BBC dẫn lời các thủy thủ Việt Nam tận mắt chứng kiến vụ việc trên cho biết việc bắt giữ tàu cá QNg 94912 TS của ngư dân Việt Nam diễn ra ngay trong khu vực ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Sau khi khống chế tàu cá QNg 94912 TS và bắt 6 ngư dân dồn về mũi tàu, phía Trung Quốc còn cử lực lượng lái tàu cá QNg 94912 TS chạy về hướng Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc chĩa súng, vây bắt tàu cá Việt Nam, xâm nhập lãnh hải Nhật Bản ảnh 1
Trung Quốc huy động máy bay, tàu chiến và cả trăm tàu các loại nhằm uy hiếp, đe dọa tàu ngư dân và Kiểm ngư Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam


Anh Trần Xi, thuyền viên trên tàu QNg 94913 TS, một trong 2 ngư dân chứng kiến sự việc kể lại: “Khi thấy tàu Trung Quốc áp sát, chụp hình đồng thời thả canô, tôi nói qua bộ đàm với Võ Tấn Tèo, ngư dân trên tàu QNg 94912, thu lưới, chuẩn bị tăng tốc tránh né nếu bị tàu Trung Quốc tấn công. Khoảng 30 phút khi thu lưới vừa xong, cả hai tàu tăng tốc bỏ chạy, cùng lúc đó tàu Trung Quốc mang số hiệu 3103 chắn ngang tàu QNg 94912. Tèo nói qua bộ đàm bảo họ lên đạn chĩa súng về tàu rồi. Tôi nói Tèo giảm tốc độ kẻo va vào tàu 3103, họ lấy cớ mình tông nổ súng thì chết hết”.

Sau đó, anh Xi cho tàu 94913 tăng tốc đồng thời nói qua bộ đàm: “Phải có tàu chạy trước kẻo nó bắt hai chiếc thì không ai báo tin về nhà được". Chạy cách tàu QNg 94912 chừng 3 hải lý, anh Xi cho tàu dừng lại, đồng thời đàm báo cho gần 20 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt gần đó biết sự việc.

“Tôi liên tục điện qua bộ đàm của Tèo hỏi tình hình nhưng không có tín hiệu trả lời. Mọi thứ vẫn im lìm. Một lát sau thì thấy tàu 94912 tăng tốc chạy về phía đảo Hải Nam dưới sự kèm cặp của canô và tàu 3103” – anh Xi kể thêm.

Học giả quốc tế đề xuất Việt Nam, Mỹ, Nhật cùng kiện Trung Quốc
Tạp chí The Diplomat ngày 4-7 trích dẫn ý kiến của GS Jerome Cohen thuộc trường Luật - Đại học New York (Mỹ), một học giả uy tín về luật pháp quốc tế, đặc biệt về những vấn đề liên quan Trung Quốc rằng, Việt Nam nên đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế bất chấp Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện.

Tàu Trung Quốc chĩa súng, vây bắt tàu cá Việt Nam, xâm nhập lãnh hải Nhật Bản ảnh 2
Tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư Việt Nam


Việc đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế chứng tỏ cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, GS Cohen nói. Ông cũng bày tỏ hy vọng Tòa Công lý quốc tế, nếu đồng ý thụ lý vụ việc, có thể làm sáng tỏ một số điều khoản quan trọng trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Tòa Công lý quốc tế có thể xác định rõ cấp độ nào những yêu sách mang tính lịch sử mơ hồ của Trung Quốc tồn tại được trước UNCLOS, cũng như tiêu chuẩn hợp thức để phân biệt chính xác giữa một hòn đảo (đủ điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và một bãi đá là gì.

GS Cohen nói rằng, Việt Nam có thể lựa chọn cùng tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự đưa vụ việc ra trọng tài UNCLOS. Trường hợp Việt Nam muốn đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, cần phải đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế. Cho dù Trung Quốc từ chối tham gia, Việt Nam vẫn có lợi nhờ chứng tỏ với thế giới mong muốn và sự chân thành của mình về việc giải quyết hòa bình, công bằng. GS Cohen cho rằng, sự chân thành của Việt Nam thậm chí càng trở nên nổi bật hơn.

Học giả Cohen còn đề nghị Nhật Bản cân nhắc đưa “đường lưỡi bò” 9 đoạn (10 đoạn trong tấm bản đồ dọc Trung Quốc mới công bố) ra trọng tài UNCLOS. Ông cũng gợi ý rằng, dù không phải một thành viên UNCLOS, Mỹ vẫn có thể khởi kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa Công lý quốc tế, bất chấp Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện. 

Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào vùng biển tranh chấp, thách thức Nhật Bản

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết sáng 5-7, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 

Tàu tuần dương Trung Quốc ở gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hồi năm 2013

Theo sở chỉ huy JGC Vùng 11 đóng tại Naha, tỉnh Okinawa, 2 tàu trên được xác định tàu hải cảnh 2101 và 2151, đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản vào lúc khoảng 10h và di chuyển trong khu vực này khoảng 2 giờ trước khi rời đi.
Đây là lần thứ 16 tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản trong năm nay, sau lần gần nhất hôm 30-6.

Cùng ngày, hãng Kyodo của Nhật dẫn các nguồn thạo tin cho biết, giới chức truyền thông Trung Quốc đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông trực tuyến của nước này đưa ra quan điểm cứng rắn với Nhật Bản sau quyết định lịch sử của Tokyo cho phép các lực lượng vũ trang của nước này quyền tham gia phòng vệ tập thể.
Các cơ quan chức năng đã yêu cầu giới truyền thông Trung Quốc "hướng công chúng có một cái nhìn đúng đắn về Nhật Bản” và gần như chắc chắc, giới lãnh đạo truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ nước này cũng đã đưa ra đường lối chỉ đạo tương tự đối với các báo của Trung Quốc.