Tàu sân bay Trung Quốc: 2025 mới có thể tác chiến thực sự!

Tuy tàu sân bay Liêu Ninh chính thức đưa vào trang bị hải quân, nhưng Trung Quốc còn rất nhiều điều phải làm để con tàu thực sự hoạt động đầy đủ.

Một số chuyên gia quốc phòng các nước đã có một số phân tích đối với tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng lâu dài của nó trong khu vực:

Thất bại 100% khi đối phó với tàu sân bay Mỹ
Chuyên gia quân sự và quan hệ quốc tế Brian Crowe của Mỹ cho rằng việc tuyên bố về sự ra đời của tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc hoàn toàn chỉ mang tính tượng trưng.
Trên thực tế, một vài ý kiến xem hành động này là việc thể hiện một cách “có khả năng”. Ví dụ như trong bài trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Lí Du – một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của ĐH Quốc gia Singapore cho rằng “tàu sân bay Liêu Ninh hoàn toàn không hề cải thiện khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc”.
Ông này chỉ ra, nếu dùng tàu sân bay để đối phó với Hải quân Mỹ, khả năng sống sót của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ là con số không tròn trĩnh. Nếu Bắc Kinh dùng nó khi xảy ra xung đột với các quốc gia xung quanh, Liêu Ninh cũng chỉ được xem như là một món đồ đe dọa mang tính tượng trưng.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận, tàu Liêu Ninh chỉ được dùng cho các mục đích huấn luyện, hiện Trung Quốc chưa có được khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay này.
Ngoài ra, khi chưa có được sự hỗ trợ từ các biên đội tàu bảo vệ xung quanh, tàu sân bay cực kì yếu nhược và là một mục tiêu rất dễ bị vô hiệu hóa.
Thông thường, cần ít nhất một khoảng thời gian là 10 năm để chuẩn bị cho công tác huấn luyện thành thạo hệ thống nhân lực, vật lực phục vụ cho việc duy trì và bảo vệ cho tàu sân bay.
Từ đó, mới có được một nhóm tác chiến tàu sân bay có khả năng hợp đồng tác chiến mạnh mẽ và khả năng sống sót cao. Do đó, tàu sân bay luôn là một mục tiêu đắt giá và cực kì trọng yếu trong các cuộc chiến mà nó tham gia.
Liêu Ninh là biểu tượng quốc gia và niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc.

Liêu Ninh là biểu tượng quốc gia và niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc.


Vậy tàu Liêu Ninh sẽ mang lại gì cho Trung Quốc?
Trước hết, nó là biểu tượng quốc gia và là niềm tự hào của cả dân tộc, bảo đảm cho khả năng hành động ở các vùng biển xa của Hải quân Trung Quốc.
Thứ hai, tàu Liêu Ninh sẽ là một mẫu thử nghiệm quan trọng, chuyên gia quốc tế tin rằng Bắc Kinh đang ráo riết triển khai cùng lúc đóng 5 tàu sân bay. Trong quá trình này, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ có tác dụng như là một sản phẩm mẫu.
Thứ ba, người Trung Quốc có thể không muốn chiến tranh với các cường quốc khác trên thế giới, nhưng họ muốn khẳng định rằng tàu Liêu Ninh sẽ là một công cụ quan trọng để họ triển khai các lực lượng quân sự của mình để bảo vệ các lợi ích ngày càng nhiều của họ trên khắp thế giới.
Truyền thông phương Tây cho rằng, điều này có thể sẽ quay trở lại con đường ngoại giao pháo hạm như hồi thế kỉ 19.
Ví dụ, khi nảy sinh tranh chấp giữa Trung Quốc với một quốc gia giàu tài nguyên nào đó ở châu Phi, hoặc công dân Trung Quốc bị đe dọa ở đó. Bắc Kinh có thể ngay lập tức điều tàu sân bay đến gần vùng biển của quốc gia này và tạo một sức ép đáng kể lên giới ngoại giao.
Đồng thời, sự ra đời của tàu Liêu Ninh sẽ giúp Hải quân Trung Quốc có được năng lực triển khai hoạt động ở những vùng biển xa bờ.
Nếu tàu sân bay này cùng với máy bay J-15 xuất hiện ở những khu vực tranh chấp như đảo Điếu Ngư, Bắc Kinh có thể sẽ có khả năng khống chế đường không ở khu vực này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, họ cũng cần phải tăng thêm các đòi hỏi quyền lợi cho đất nước. Do đó Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho một lực lượng hải quân nước xanh có khả năng bảo vệ cho các lợi ích chiến lược của nước này.
Việc hoàn thành tàu sân bay Liêu Ninh là một bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong quá trình xây dựng một lực lượng hải quân toàn cầu, điều mà nước lớn nào cũng đều có tham vọng thực hiện.
5 điểm thua kém tàu sân bay Mỹ
Tàu sân bay có thể thực hiện các cuộc tiến công đường không tại các vùng chiến trường nằm ngoài tầm tác chiến của không quân, bảo vệ cho các tàu đổ bộ.
Do đó, khi một quốc gia có trong tay một hay nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay, họ sẽ có ưu thế rất lớn khi xảy ra xung đột tại các vùng chiến trường đại dương nước xanh hoặc các vùng đảo xa bờ, nơi không có được sự hỗ trợ tốt nhất từ lục và không quân.
Hiện tại, tàu sân bay Liêu Ninh chưa thể so sánh được với các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ về trọng lượng giãn nước cũng như tính năng kĩ chiến thuật.
Ngoài ra, vấn đề vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay người Mỹ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc. Do đó, Giáo sư James Holmes của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, nếu so sánh với tàu sân bay của Mỹ thì nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc có 5 điểm thua kém như sau:
- Thứ nhất, về tàu sân bay, đây là trung tâm của một nhóm tác chiến tàu sân bay. Tàu sân bay là phương tiện hỏa lực mạnh nhất của một biên đội tác chiến trên biển, có các chức năng phòng không, tấn công các tàu xung kích mặt nước và tàu ngầm của đối phương.
Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc mới có trong tay tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh và chưa có máy bay tiêm kích phù hợp cho nó.
Công việc tiếp theo, nước này phải làm là thực hiện việc huấn luyện cất hạ cánh cho máy bay trên tàu sân bay, huấn luyện việc thực hành sử dụng, khai thác tàu cho thủy thủ đoàn, vấn đề này cần phải có thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, có thể đoán được rằng, nhiệm vụ chính của Liêu Ninh là trở thành một công cụ huấn luyện chứ không dùng cho thực chiến.
- Thứ hai, lượng giãn nước của Liêu Ninh vào khoảng 2/3 so với các tàu sân bay sử chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Theo thiết kế mà phía Liên Xô đưa ra, Liêu Ninh có thể mang tối đa khoảng 28 máy bay tiêm/cường kích cùng một lúc.
Số lượng đó ít hơn nhiều so với số máy bay mà các tàu của Mỹ có thể mang theo, nếu đánh nhau theo kiểu 1 chọi 1, Trung Quốc sẽ không có được ưu thế truyền thống của họ từ trước đến nay: số lượng.
Tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh nhỏ, góc phải) còn thua xa tàu sân bay Mỹ trên nhiều mặt.

Tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh nhỏ, góc phải) còn thua xa tàu sân bay Mỹ trên nhiều mặt.


- Thứ ba, vấn đề năng lượng hoạt động. Các tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân luôn có những ưu thế rất to lớn. Tàu sân bay của Mỹ luôn bảo đảm được tính linh hoạt cần thiết và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ tác chiến trên khắp thế giới ở mọi thời điểm.
Với động cơ hạt nhân, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ không cần phải tiếp thêm nhiên liệu bất kể thời gian hoạt động trên biển của nó lâu đến dường nào. Việc giảm thiểu sự phục thuộc và các lực lượng hậu cần sẽ tạo ra được ưu thế chiến thuật cho tàu sân bay trong các phi vụ chiến đấu.
- Thứ tư,
trong quá trình tác chiến và hành quân, tàu sân bay luôn cần phải có các tàu hộ vệ và tiếp viện đi theo cùng. Hiện tại, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa có được một lực lượng bảo vệ thuần thục để phục vụ cho Liêu Ninh từ đó tạo ra một nhóm tác chiến tàu sân bay mạnh.
Đặc biệt, lực lượng chống ngầm của Trung Quốc vẫn còn khá mỏng, đây là một vấn đề rất nguy hiểm đối với họ khi các đối thủ mà tàu sân bay Trung Quốc phải đối mặt là Nhật và Mỹ đều rất mạnh trong việc khai thác sử dụng tàu ngầm.
Lực lượng tàu tiếp tế lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu, đạn dược… của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng yếu kém. Vấn đề này cũng rất quan trọng để đảm bảo việc duy trì khả năng tác chiến dài ngày trên biển của tàu sân bay Trung Quốc, hiện Bắc Kinh vẫn phải sử dụng các trạm tiếp tế trên bờ.
- Thứ năm, kinh nghiệm của thủy thủ đoàn. Nhóm tác chiến tàu sân bay là một lực lượng tác chiến binh chủng hợp thành, kết hợp bởi hải không quân, các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm, hậu cần, máy bay tiêm kích, cũng như các lực lượng thám trắc tầm xa…Để các lực lượng này phối hợp hành động nhịp nhàng với nhau cần phải có thời gian huấn luyện thực tế dài lâu mới có thể đạt được.
Hoạt động đầy đủ vào năm 2025
Dù trong tương lai gần, tàu sân bay của Trung Quốc khó có thể đe dọa trực tiếp đến Mỹ và Nhật Bản nhưng trong một bài diễn văn gần đây, ông Edwark Eriksson – Phó Giáo sư Học viện Quân sự Hải quân Mỹ cho rằng, việc chính thức ra mắt tàu sân bay đầu tiên hiển nhiên cho thấy tham vọng rằng Trung Quốc đủ khả năng giải quyết tranh chấp ở đảo Senkaku/Điếu Ngư với phía Nhật Bản theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, với Liêu Ninh, Trung Quốc hoàn toàn có thể đột phá qua chuỗi đảo thứ hai của mình, từ đó mở con đường đến châu Phi và vịnh Ba Tư.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện được tham vọng này, điều kiện tiên quyết là phải có một chuỗi các căn cứ ven biển thì Trung Quốc vẫn chưa có.
Trong vòng 10 năm tới, cảng Gwadar của Pakistan có khả năng trở thành căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc, đây có thể là nơi trung chuyển cho các nhóm tàu chiến viễn dương của Trung Quốc, việc bảo vệ nơi này sẽ do Quân đội Pakistan chịu trách nhiệm.
Hiện tại, các tàu khu trục Type 052C/D và Type 054A cùng các tàu ngầm tấn công làm nhiệm vụ bảo vệ cho tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Tuy nhiên trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ cần đến một loại tàu ngầm tấn công mới dưới mật danh Type 097, ít tiếng ồn hơn và ít lạc hậu hơn so với loại tàu ngầm lớp Virginia của Hải quân Mỹ, một yếu tố mà tàu ngầm lớp 095 không thể đáp ứng được.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn phải xây dựng thêm các thế hệ tàu chống ngầm và hậu cần thế hệ mới, cũng như các phương tiện do thám đường không tầm xa, các hệ thống phòng thủ tầm gần trên tàu sân bay...
Do đó, nhận định lạc quan nhất cho Trung Quốc là đến năm 2025, họ mới có thể có được một nhóm tác chiến tàu sân bay đủ khả năng chiến đấu thật sự.