Tàu sân bay 100.000 tấn của Nga rộng đường thắng thầu tại Ấn Độ?

ANTĐ - Ấn Độ chuẩn bị tuyên bố mở thầu dự án đóng tàu sân bay thứ 4 của mình. Một mô hình tàu sân bay mới của Nga có tên “Storm” vừa công bố vào năm 2015, được cho là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho dự án này. 

Ấn Độ có kế hoạch đóng tàu sân bay mới và họ đã liên hệ với nhiều đối tác nước ngoài để giúp sức trong công việc này. Pháp đang rục rịch phát triển một phiên bản mới của máy bay Dassault Rafale cho mẫu tàu sân bay nay, trong khi Mỹ cũng nỗ lực giành lấy hợp đồng với Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo tờ Izvestia, Nga đang là một trong những ứng cử viên sáng giá với mô hình tàu sân bay thế hệ mới “Storm”. Đây là mô hình của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylovsky, mới được trình làng trong triển lãm quân sự Army – 2015.

Mô hình tàu sân bay Storm của Nga

Tàu sân bay này dự kiến sẽ có lượng giãn nước 100.000 tấn, dài 330m và rộng 40m. Tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, có thể đạt tới vận tốc 55 km/h và chịu được những đợt sóng lớn cao tới 9m.

Tàu có thể duy trì làm việc 120 ngày trên biển, chứa được đội thuỷ thủ từ 4.000 đến 5.000 người và chở theo 100 máy bay chiến đấu bao gồm nhiều loại khác nhau như T-50, MiG-29K, cũng như các máy bay cảnh báo sớm như Yak-44E.

Boong tàu bao gồm 4 vị trí cất cánh, 2 trong số này cất cánh kiểu cầu bật, 2 vị trí còn lại sẽ cất cánh nhờ hệ thống hỗ trợ phóng máy bay điện từ.

Theo tờ Izvestia, Nga có nhiều khả năng được chọn do sẵn sàng chuyển giao công nghệ nhiều hơn các nước đối thủ như Pháp và Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại đang thực hiện chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”, vốn khuyến khích sản xuất nội địa các mặt hàng công nghệ cao bao gồm cả thiết bị quân sự hạng nặng.

Nga cũng là một nước có quan hệ hợp tác quốc phòng gần gũi với Ấn Độ. Một trong 2 tàu sân bay đang phục vụ trong hải quân Ấn Độ có tên INS Vikramaditya, đã đóng ở Nga từ thời Liên-xô. Chiếc còn lại, có tên INS Viraat, chuẩn bị được cho nghỉ hưu vào tháng 6 tới và thay thế bằng một tàu sân bay nội địa vào năm 2018. Chiếc tàu sân bay này có tên Vikrant, được Nga hỗ trợ về thiết kế và Ý giúp sức trong việc chế tạo.