Tàu ngầm Nga sa bẫy tử thần: Những cái kết bi thương chưa có lời giải đáp

ANTD.VN - Năm 2000, 118 thủy thủ Nga đã thiệt mạng sau hai vụ nổ trên tàu Kursk chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tám năm sau, 14 người khác trên một tàu ngầm hạt nhân đã thiệt mạng vì ngạt khói. Nga không phải là quốc gia duy nhất gặp tai nạn với tàu ngầm, nhưng trong trường hợp của Nga, các sự cố thường kết thúc trong bi kịch.

Thảm họa tàu ngầm Kursk

Vào tháng 8/2000, hai vụ nổ đã vĩnh viễn nhấn chìm con tàu Kursk chạy bằng năng lượng hạt nhân tải trọng 17.000 tấn xuống đáy Biển Barents cùng với đoàn thủy thủ 118 người. Cả nước Nga bàng hoàng và giận dữ trước những phản ứng chậm chạp và nỗ lực bất thành của những nhà chức trách để cứu thủy thủ đoàn cũng như những thông tin rối loạn xung quanh vụ việc.

Xác tàu ngầm Kursk bị đắm sau vụ nổ năm 2000 làm 118 thủy thủ hi sinh

Tổng thống Putin khi đó đã phải đối mặt với những chỉ trích cá nhân vì đã không kết thúc sớm kỳ nghỉ của mình để ứng phó với tình hình.

19 năm trôi qua, một số thứ vẫn chưa thay đổi. Ông Vladimir Putin vẫn là Tổng thống và Hạm đội phương Bắc của Nga đã phải chịu một thảm kịch khác trên biển: 14 sĩ quan hải quân đã hi sinh trong một vụ hỏa hoạn trên một tàu ngầm khác.

Lần này, điện Kremlin đã phản ứng nhanh hơn.

Vài giờ sau khi quân đội Nga thông báo về vụ tai nạn, Tổng thống Putin đã xuất hiện trên truyền hình để bày tỏ lời chia buồn tới gia đình các quân nhân và phái Bộ trưởng Quốc phòng đến ngay căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc ở Severomorsk.

Tổng thống Putin đã phản ứng với thảm họa lần này bằng việc cử Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đến căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc

Thông tin chính thức được đăng tải là đã có một đám cháy bùng phát trên một "tàu ngầm làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học" ở vùng lãnh hải của Nga. Con tàu đã được báo cáo là đang "khảo sát đáy biển". 14 thủy thủ trong hải đoàn đã chết vì "hít phải khói độc từ đám cháy".

Bí mật quốc gia che phủ thông tin

Có một loạt những câu hỏi mà chính quyền Nga đang từ chối trả lời. Con tàu bị chìm là chủng loại nào? Nhiệm vụ chính xác của tầu khi đó là gì? Điện Kremlin vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào.

Trả lời lời câu hỏi của các phóng viên, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết: "Tất nhiên Tổng thống đã được báo cáo đầy đủ các thông tin, nhưng, không phải tất cả thông tin này đều có thể được công khai. Chuyện không công bố là hoàn toàn bình thường vì đó bí mật quốc gia, là lợi ích và an ninh của đất nước".

Phải chăng một lò phản ứng hạt nhân trên tàu bị hư hỏng? "Đó không phải là câu hỏi dành cho tôi," ông Peskov nói. "Chúng tôi không tham gia vào việc đóng tàu."

Con tàu đã làm gì?

Khi không có câu trả lời chính thức, các hãng truyền thông Nga đã tìm kiếm thông tin theo cách riêng của họ. Một số tờ báo, trích dẫn các nguồn tin quân sự, đã xác định tàu bị chìm là loại tầu AS-12 hoặc AS-31.

Những chiếc tàu ngầm nhỏ như thế này có thể lặn sâu tới 6.000m (19.685ft) và được thiết kế để mang dưới bụng của một chiếc tàu ngầm lớn hơn. Những con tàu kiểu này được điều hành bởi Tổng cục nghiên cứu nước sâu của Quân đội Nga (GUGI), thường được gọi là "cơ quan tình báo dưới nước" của nước này.

Một hoạt động của Hạm đội phương Bắc- Nga

Trích dẫn các nguồn tin quân sự, báo RBK liệt kê các nhiệm vụ chính của GUGI là "giám sát các đường dây liên lạc dưới nước, phục hồi các thiết bị quân sự và vũ khí dưới nước sâu, bảo vệ cáp ngầm xuyên biển của Nga".

Một số thông tin lại cho rằng các tàu ngầm đã phục vụ tại một căn cứ quân sự gần thành phố St Petersburg. Thống đốc khu vực St Petersburg, ông Alexander Beglov, cũng đã xác nhận rằng trụ sở của hải đoàn tàu ngầm được đặt tại đây.

Các trang tin tức của Nga đã công bố chân dung của 14 thủy thủ cùng với dòng chữ: "Vinh quang vĩnh cửu cho các anh hùng! Chúng tôi sẽ luôn nhớ về các anh!"

Các nhà thờ trên khắp miền bắc nước Nga đã tổ chức tưởng nhớ đến những thủy thủ đã hi sinh. Điều cũng đã được làm tương tự sau thảm họa  tầu Kursk: mọi người thắp nến, cắm hoa, nói lời cầu nguyện và cố gắng chấp nhận thêm một thảm kịch hàng hải nữa.