Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo uy lực khủng khiếp của Ấn Độ

ANTĐ - Ngày 10-8, Ấn Độ đã khởi động lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên, mang tên Arihant, tại thành phố cảng Visakhapatnam, chính thức gia nhập câu lạc bộ 6 cường quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Manmonhan Singh đã chúc mừng các nhà khoa học và Hải quân Ấn Độ và gọi đây là “bước nhảy vọt lớn về năng lực công nghệ trong nước”. Thử nghiệm thành công của “Arihant” cũng biến Ấn Độ trở thành nước thứ 6 trên thế giới, chế tạo thành công tàu ngầm hạt nhân, chỉ sau 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kể trên.

Việc này sẽ giúp Ấn Độ hiện thực hóa giấc mơ sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân và giúp họ có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạt hạt nhân từ trên đất liền, trên không và trên biển. Và theo các nhà phân tích thì đây là chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới, không thuộc 5 cường quốc hạt nhân đã được thừa nhận.

Tàu ngầm INS Arihant được hạ thủy hồi tháng 7-2009 và bắt đầu giai đoạn chạy thử từ tháng 2-2010. Tàu ngầm thứ 2 thuộc lớp này là Arhidaiman bắt đầu đóng mới từ năm 2011 với nhiều cải tiến so tàu ngầm đầu tiên cùng lớp. Dự kiến, Arhidaiman sẽ được chuyển giao cho hải quân Ấn Độ vào năm 2015. Quá trình phát triển lớp tàu ngầm hạt nhân này của Ấn Độ, dựa trên cơ sở tàu ngầm thuộc Dự án 670 Scat của Liên Xô.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo nội địa INS “Arihant” của hải quân Ấn Độ


Theo kế hoạch, hải quân Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu ngầm thuộc lớp này, nhưng tới thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Á mới chỉ ký hợp đồng đóng 4 tàu ngầm lớp Arihant. Tàu ngầm INS Arihant có chiều dài dài 110m, lượng giãn nước 6.000 tấn, tối đa là 7000 tấn. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 85MW giúp tàu đạt tới vận tốc 24 hải lý/h (44km), biên chế chính thức là 95 thủy thủ.

Hiện tại, vũ khí trang bị cho lớp tàu ngầm này chưa được công khai, nhưng nhiều khả năng tàu sẽ được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và 12 ống phóng thẳng đứng trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-15 Sagarika và hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos, phiên bản phóng từ tàu ngầm.

K-15 là tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nó có chiều dài 6,5m, trọng lượng 7 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, đạt tầm bắn 700km, độ sai lệch mục tiêu chỉ có 25m. Theo số liệu kỹ thuật, trong giai đoạn đầu K-15 sẽ bay trên độ cao khoảng 7km, đến giai đoạn thứ 2 nó vượt hẳn lên độ cao 20km và bay với vận tốc khủng khiếp là Mach7 (tương đương khoảng 9000 km/h).

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo uy lực khủng khiếp của Ấn Độ ảnh 2
Ấn Độ sẽ trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-15 cho “Arihant”

Tuy tầm bắn không lớn, nhưng tên lửa của Ấn Độ có vận tốc vượt trội các loại tên lửa đạn đạo của các nước khác, chỉ kém mỗi Nga và còn hơn cả Mỹ. Với siêu tên lửa K-15, các tàu ngầm hạt nhân của hải quân Ấn Độ, sẽ có khả năng tấn công mặt đất cực nhanh, cực mạnh và khó bị đánh chặn. Sau khi đưa K-15 vào sử dụng, Ấn Độ đã chính thức trở thành nước thứ 6 sau Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc sở hữu khả năng tấn công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm.

Ngoài ra, ngày 27/01 vừa qua Ấn Độ cũng đã thử nghiệm lần đầu thành công tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm. Loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này được đặt tên là K-5 có tầm bắn 1500km. K-5 sẽ được phóng thử khoảng trên dưới 10 lần nữa, nếu thành công tốt đẹp, sang năm 2014 nó sẽ được biên chế trên các tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ.

Theo kế hoạch, tàu ngầm INS Arihant sẽ tiến hành chạy thử trên biển vào cuối tháng 8 và tiến hành các cuộc thử nghiệm trên boong, bao gồm cả phóng vũ khí, có thể là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm K-15 và K-5 do nước này tự sản xuất. Lúc đó, Pakistan không còn là đối thủ của Ấn Độ mà ngay cả Bắc Kinh cũng phải kiêng dè lực lượng tàu ngầm của New Dehli.