Tàu cổ Hưng Yên có xuất xứ từ châu Âu

(ANTĐ) - Ngày 7-5, con tàu cổ tìm thấy dưới lòng sông Hồng thuộc địa phận xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên đã được di chuyển an toàn về Bảo tàng Hưng Yên. Sau gần 2 tháng trục vớt, thân phận của con tàu này đang dần sáng tỏ…

Tàu cổ Hưng Yên có xuất xứ từ châu Âu

(ANTĐ) - Ngày 7-5, con tàu cổ tìm thấy dưới lòng sông Hồng thuộc địa phận xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên đã được di chuyển an toàn về Bảo tàng Hưng Yên. Sau gần 2 tháng trục vớt, thân phận của con tàu này đang dần sáng tỏ…

Tàu cổ đã được đưa về Bảo tàng Hưng Yên
Tàu cổ đã được đưa về Bảo tàng Hưng Yên

Những phát hiện lạ

Theo các nhà nghiên cứu, ván tàu được đóng dọc, cách thức đóng này không được người Việt Nam và Trung Quốc áp dụng nhưng lại được sử dụng rộng rãi ở châu Âu vào khoảng đầu thế kỷ 19. Thân tàu cấu tạo 2 lớp, mỗi lớp cách nhau 12cm, vỏ ngoài là lớp gỗ chịu nước, phần xương tàu là loại gỗ chịu lực. Cả hai loại gỗ này đều rất hiếm gặp ở các con tàu châu á. Các trang thiết bị trên tàu như đèn cập mạn, xẻng xúc than… đều mang đậm phong cách châu Âu.

Phát hiện thú vị hơn nữa, đó là những lá đồng 2 bên mớn nước đều có ghi vài dòng chữ tiếng Pháp và trên mặt đồng hồ số của máy tàu lại có vài dòng chỉ dẫn bằng tiếng Anh. Hiện tại, danh tính về vị chủ nhân của con tàu vẫn là dấu hỏi, nhưng với bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng sứ trắng được đặt trên một ban thờ nhỏ ở cabin cùng một vài vật dụng sinh hoạt khác như bát, đĩa, chân nến… còn sót lại dưới lòng tàu cho thấy, thủy thủ đoàn là người Trung Quốc.

Theo ông Phạm  Trung Hiếu - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, đây là con tàu pha sông biển vì độ lớn của tàu có thể thích nghi cả với những chuyến đi biển dài ngày, bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên các mớn nước đều được bọc lá đồng, đây là cách làm thường thấy khi đóng tàu biển để tránh mặn cùng sự bám dính của hà. Hiện, theo những nghiên cứu mới nhất, con tàu này có tuổi thọ khoảng 130 đến 150 năm, và ít nhất nó đã nằm dưới lòng sông Hồng chừng 100 năm trước khi được phát hiện.

Minh chứng cho sự tấp nập của thương cảng Phố Hiến

Dù đã thấy con tàu một lần ngoài bãi sông khi vừa được trục vớt, nhưng lần cận cảnh thứ 2 này đã khiến chúng tôi thực sự bất ngờ về sự đồ sộ của nó. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là con tàu cổ thứ 6 được trục vớt tại Việt Nam, nhưng là con tàu duy nhất được tìm thấy dưới lòng sông, 5 con tàu trước đều được phát hiện dưới đáy biển.Do độ sâu cùng với sóng lớn, khi đưa lên khỏi mặt nước, những con tàu này chỉ còn là những mảnh vụn. Vì thế, con tàu cổ ở Đại Tập cũng là con tàu đầu tiên còn giữ được hình dáng cũ. Việc phát hiện tàu buôn nước ngoài tại một địa điểm gần với Phố Hiến đã minh chứng cho sự tấp nập của thương cảng này. Chính vì ý nghĩa đó, trái với dự kiến ban đầu chỉ là mang một phần mũi tàu cùng đầu máy hơi nước và chân vịt về bảo tàng, Sở VH-TT&DL Hưng Yên đã quyết định mang toàn bộ con tàu về trưng bày.

Theo ước tính của đơn vị thi công là Công ty TNHH Mạnh Kiên, con tàu nặng chừng 44 tấn. Nhưng khi bắt tay vào vận chuyển mới “tá hỏa” bởi riêng phần đuôi đã nặng tới 55 tấn. Quãng đường sông về tới phà Yên Lệnh nhẹ nhàng bao nhiêu thì việc di chuyển bằng đường bộ khó khăn bấy nhiêu. Thân tàu quá dài, ngay cả xe siêu trường siêu trọng phải bất lực. Rốt cuộc, đã phải tính tới hạ sách là …. Cưa bớt một đoạn tàu. Rồi khi qua cửa khẩu, xe không cua được, lại phải dùng phương án lấy đất đá nâng độ cao của con đường lên trên 1m để xe cao hơn mặt đê. Khi đó mới đưa cẩu và… Tổng kinh phí chi cho việc di chuyển tàu lên tới 400 triệu đồng.

Ông Phạm Trung Hiếu - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết, trước mắt, bảo tàng sẽ tiến hành các bước bảo quản tàu như làm mái che, xây dựng các biện pháp nhằm làm cân bằng độ ẩm đồng thời phun các lớp chống mối mọt và chống hơi nước. Việc phục chế lại cũng sẽ được tiến hành ngay sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.

Quỳnh Vân