“Tàu” chính sách vẫn chưa đến… “Ga” doanh nghiệp

ANTĐ - Những tín hiệu giá lạnh của nền kinh tế năm 2012 đã thúc đẩy Chính phủ ngay trong những ngày đầu năm 2013 ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP công bố hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để tồn tại và phát triển, bởi vì DN chính là động lực là sức mạnh của nền kinh tế. 10 tháng đã qua, đã đến lúc nhìn lại hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ này. Trong bối cảnh, mặc dù kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, những vấn đề an sinh xã hội về cơ bản vẫn giữ vững, đảm bảo được đời sống nhân dân, nhưng có thể nói, những giải pháp hỗ trợ chưa đến được địa chỉ cần thiết, “con tàu” chính sách vẫn đang đi và có vẻ còn lâu mới đến “ga” doanh nghiệp.

Những giải pháp hỗ trợ mới dừng lại ở thông báo

Qua kết quả điều tra từ hơn 300 doanh nghiệp lớn về thực trạng kinh doanh hiện tại và triển vọng năm 2014, Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới đây đưa ra kết luận có tới gần 60% số DN cho rằng họ chưa tìm thấy dấu hiệu lạc quan trong năm 2014, hơn 20% nhận định năm sau còn chật vật và thậm chí xấu hơn cả năm nay, số còn lại cho rằng năm tới sẽ tốt đẹp hơn. Theo các tác giả của bản báo cáo thì dường như niềm tin vào khả năng sớm hồi phục kinh doanh của doanh nghiệp đang suy giảm dần, một phần do thực trạng kinh doanh khó khăn đang kéo dài quá lâu, trong khi những hỗ trợ từ phía Chính phủ không đủ sức vực dậy nền kinh tế đang trong trạng thái bất ổn và khó lường, buộc các DN phải tự tìm kiếm những phương án riêng biệt mới tự cứu được mình. Kết luận trên Vietnam Report phần nào tương đồng với nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với giới DN đã được đề ra nhưng việc thực thi rất chậm và thiếu tính thực tiễn, khiến doanh nghiệp không được thụ hưởng. 

Trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, với lãi suất cao cùng những tác động của thị trường đã khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng, nên dù kinh tế đã ổn định, DN tính đến chuyện tái sản xuất, đầu tư, kinh doanh mới, song việc tiếp cận vốn không những gặp nhiều khó khăn, mà nỗi lo chính sách tín dụng “giật cục” như trước đây đã khiến DN dè dặt với mọi hoạt động. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, cùng với các chính sách hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, nhiều quy định mới về hỗ trợ vay vốn, lãi suất cũng được ban hành. Trong đó, lãi suất đã ổn định ở mức 7 - 10,5%/năm, thậm chí với DN hoạt động hiệu quả đã được vay vốn với lãi suất chỉ 6,5 - 7%/năm. Các chính sách thuế cũng được tích cực triển khai, như gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, giảm phí, lệ phí, thuê đất… Tuy nhiên, các DN cho rằng cần có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn nữa, bám sát vào nhu cầu và thực tế kinh doanh thì mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ mới phát huy hiệu quả. Bởi vì thủ tục để được hưởng những chính sách hỗ trợ này rất phức tạp, không phải DN nào cũng đủ thời gian và công sức để lo đủ.

Đánh giá tác động các giải pháp đồng bộ từ Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn của DN thời gian qua, rõ ràng nó đã và đang có kết quả bước đầu, điển hình như việc miễn giảm thuế, hoãn tiền thuê đất... Ở các địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ cũng là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, việc triển khai đề án của các bộ còn chậm và chưa đồng đều. Có thể dẫn chứng, đề án giải quyết nợ xấu cho đến ngày 29-7 mới được khởi động. Gói trợ giúp bất động sản với 30 nghìn tỉ đồng sơ bộ mới giải ngân không đáng kể và tác dụng của gói hỗ trợ này cũng là không đáng kể. Ngay như việc ra đời của Công ty Quản lý tài sản Quốc gia - VAMC, chủ trương được đưa ra từ rất lâu rồi nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. 

Mâu thuẫn giữa hỗ trợ doanh nghiệp và thu ngân sách

Trong số nhiều giải pháp được đánh giá là thiết thực giúp giới DN có thể tiếp tục tồn tại là miễn giảm thuế phí, nhằm cắt giảm những những chi phí trong hoạt động trực tiếp của DN. Nhưng giải pháp này lại vấp phải thế “tiến thoái lưỡng nan” khiến thất thu nguồn ngân sách. Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, Việt Nam thâm hụt hơn 100.000 tỷ đồng. Nghịch lý này, dường như chưa có lời giải đáp. DN khó khăn, nhưng nguồn thu chính là các tổ chức đó nên nguồn thu bị hạn hẹp thậm chí thất thu rất do hoạt động khó khăn của DN.

Nhưng bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tìm cách tháo gỡ bớt khó khăn cho các DN, để làm sao, các DN có thể hoạt động bình thường, có hiệu quả thì khi đó mới tạo ra nguồn thu. Trong khi đó, nghịch lý là miễn giảm thuế, đồng thời hiệu quả làm ăn của các DN lại rất thấp, cho nên nguồn thu cũng không có, nên gây ra mâu thuẫn hiện nay là nguồn thu của ngân sách và miễn giảm thuế.

Đánh giá các giải pháp về thuế đưa ra vừa qua là một sự cố gắng của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, giảm thuế cho DN là tốt nhưng với những DN đã không có lợi nhuận thì việc giảm cũng không có tác dụng gì. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại Hội nghị của Vietnam Report cũng thừa nhận, các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các DN. Bởi còn tùy thuộc quy mô DN mà có thể họ không được hưởng hoặc được hưởng gói ưu đãi thấp hơn mức mà họ mong muốn. “Chúng ta cần sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN trên nhiều góc độ”, ông Phụng bày tỏ.

Cần hỗ trợ ổn định có chiều sâu

Ngày 13-11, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định sửa đổi, bổ sung về thí điểm hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN. Theo đó, các DN được hưởng mức lãi suất ưu đãi 0,2% trong thời gian 12 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn giải ngân từ ngày 1-1 đến 31-12-2013, thay vì chỉ hỗ trợ trong 3 tháng cuối năm như Quyết định 6125 trước đó. Tuy nhiên ngay trong Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN tổ chức ngày 14-11, các DN đã có những phản ứng rất hợp lý. Theo họ, cần có chính sách vốn cho đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài, từ 3 - 5 năm chứ không thể ngắn hạn, giật đùng đùng như cơn bão. Tôi có nhà máy giầy chỉ với 500 nhân công thôi, nhưng cũng rất khó khăn khi lãi suất lên đến 20%. Do đó, muốn ổn định lâu dài, tiếp tục đầu tư, cần có nguồn vốn ổn định, chứ không thể giật cục hoặc bị ngân hàng “đòi” nửa chừng thì khó. Việc tăng thời gian hỗ trợ lãi suất vay vốn có ý nghĩa lớn với DN trong điều kiện kinh doanh khó khăn, giúp cho DN ổn định hoạt động và có kế hoạch đầu tư dài hạn.