Tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam nên kiện thế nào?

ANTĐ - Ngày 26-5-2014, tàu cá ĐNa 90152 TS vươn khơi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị nhiều tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vây hãm, cản trở. Lúc 16h chiều cùng ngày, khi vừa hoàn tất việc thả lưới cách giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 17 hải lý, thì tàu cá ĐNa 90152 TS bất ngờ bị một tàu cá Trung Quốc chạy tốc độ cao, tông thẳng vào mũi tàu Việt Nam. 
Nội dung vụ án Theo thuyền trưởng Đặng Văn Nhân, tàu của ông bị 4 tàu Trung Quốc tấn công. Thấy nguy hiểm, ông Nhân cho tàu quay đầu và tăng tốc chạy, nhưng chạy được một đoạn thì phía trước lại có 3 tàu Trung Quốc cản đường. Lúc này có một tàu Trung Quốc số hiệu 11209 vượt lên và đâm trực tiếp hất mũi tàu ĐNa 90152 TS tung lên cao. Cú đâm này khiến tàu ĐNa 90152 TS bị gãy bánh lái. Khi tàu ĐNa 90152 TS vừa trở lại vị trí thăng bằng thì tàu Trung Quốc số hiệu 11209 tiếp tục lao đâm vào mạn trái làm gãy be khiến tàu nghiêng rồi lật úp rồi chìm hẳn chỉ còn thấy phần mũi tàu. Toàn bộ hải sản, ngư cụ, tàu cá của tàu ĐNa 90152 TS đã bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. 7 ngư dân trên tàu cá đang đứng trên boong lập tức nhảy xuống biển. Còn 3 ngư dân kẹt phía trong tàu, trong đó có thuyền trưởng Đặng Văn Nhân và một thuyền viên nhỏ tuổi nhất là Đặng Văn Bình (SN 1995) đã may mắn thoát chết. Nhờ có kinh nghiệm đi biển, những người này đã lặn sâu xuống biển thoát ra khỏi khoang ca bin để nổi lên mặt nước. Sau khi đơn phương tấn công tàu cá Việt Nam, những tàu cá Trung Quốc không cứu người mà ngược lại còn tiến sát cản trở một tàu cá của Việt Nam đến vớt các nạn nhân lên tàu. Toàn bộ hình ảnh tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 TS chiều ngày 26-5 đã được một ngư dân ở tàu cá khác ghi lại. Chủ tàu là bà Huỳnh Thị Như Hoa đang làm các thủ tục để khởi kiện tàu Trung Quốc. Vấn đề cần trao đổi là ngư dân Việt Nam có quyền khởi kiện hành vi đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu cá Trung Quốc hay không? Khởi kiện tới cơ quan pháp lý nào?Việt Nam có quyền tài phán với tàu cá Trung Quốc
Theo quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982, thì địa điểm tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 cố ý đâm tàu cá Việt Nam mang số hiệu ĐNa 90152 TS, khiến tàu cá Việt Nam bị chìm, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, do đó Việt Nam có quyền tài phán đối với những sự vụ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm cả quyền tài phán về hình sự, dân sự... Việc, tàu cá Trung Quốc cố ý đâm tàu cá của Việt Nam, để có thể xác định được là vụ việc dân sự hay hình sự, cần giám định thiệt hại của tàu cá Việt Nam, nếu xác định rõ giá trị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên, thì hành vi của tàu cá Trung Quốc đã đủ dấu hiệu cấu thành tội  Hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự Việt Nam.  Trường hợp, sự việc còn gây thương tích cho các thuyền viên trên tàu, thì có thể có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự Việt Nam với tình tiết “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”.  Do đó, chủ tàu cá ĐNa 90152 TS có thể  tố cáo sự việc tới Cơ quan Điều tra - Công an Việt Nam để được giải quyết. Khi, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. Về các thiệt hại của chủ tàu sẽ được giải quyết thành vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng Hình sự Việt Nam. Khi vụ việc có dấu hiệu hình sự, thì thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án dân sự.
Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Hợp danh Bross & Cộng sự)

Có thể khởi kiện tàu cá Trung Quốc
Về mặt pháp lý, hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như việc cho các tàu hải cảnh, hải giám và đặc biệt cho tàu cá đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành vi vi phạm các quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Về phương diện quốc gia, Việt Nam đã ban hành Luật Biển năm 2012, trong đó cụ thể hóa các quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Tiếp cận cả ở phương diện Luật quốc tế cũng như Luật trong nước thì hành vi tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đó là hành vi vi phạm. Về mặt pháp lý, bà con ngư dân có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bồi thường thiệt hại. Tôi cho rằng, trong một vụ kiện có 2 điểm rất quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất chúng ta có bắt được phương tiện thực hiện hành vi phạm tội hoặc có bằng chứng để chứng minh hay không. Điểm thứ hai là những bằng chứng thu thập được để xác định hành vi vi phạm có đầy đủ thì khi ra kiện mới có thể thuyết phục cơ quan có thẩm quyền đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này chúng ta đã có bằng chứng là clip ghi lại cảnh tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Về mặt pháp lý chủ tàu cá có thể khởi kiện về dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại. 
TS Nguyễn Toàn Thắng Phó Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế - Đại học Luật Hà Nội

Vẫn có thể xét xử vắng mặt bị đơn
Chúng ta biết rằng tàu cá của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 TS ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Địa điểm cụ thể là ở vùng biển Hoàng Sa thuộc quyền quản lý Nhà nước của UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng). Vì vậy, chúng ta sẽ khởi kiện tàu cá Trung Quốc vi phạm Điều 608 của Bộ luật Dân sự Việt Nam ra TAND TP Đà Nẵng. Sau đó, TAND TP Đà Nẵng sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ của việc khởi kiện. Bước tiếp theo là sẽ xác định thiệt hại thực tế, chứng cứ, tài liệu, những vấn đề khác có liên quan… theo đúng quy trình tố tụng dân sự. Cụ thể, trước tiên là phải xác định tư cách người tố tụng. Nguyên đơn là gia đình bà Hoa chủ tàu, nhân chứng là 10 ngư dân trên tàu thì chúng ta đã có rồi nhưng việc xác định bị đơn tàu cá Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta cần phải xác định tàu Trung Quốc đó là của ai và ở đâu. Vấn đề này cần phải nhờ cơ quan chức năng tham gia tố tụng Nhà nước xúc tiến làm. Việc này cần phải tiến hành ủy thác tư pháp và yêu cầu cơ quan tố tụng Trung Quốc thực hiện.  Nếu phía bị đơn là tàu cá Trung Quốc không tới tòa thì TAND TP Đà Nẵng sẽ ủy thác tư pháp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc thực hiện việc này để buộc bị đơn phải xuất hiện. Tòa sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện quyền hạn của mình. Vì Việt Nam và Trung Quốc đã có Hiệp định tương trợ tư pháp, nếu họ vì công lý, lẽ phải thì sẽ có biện pháp đưa bị đơn tới TAND TP Đà Nẵng tham dự vụ kiện. Nếu phía Trung Quốc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, không tìm và xác định cho ra chủ tàu cá đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 TS của Việt Nam thì chúng ta sẽ kiện cả họ. Bên cạnh đó, nếu đã tống đạt hợp lệ mà bị đơn vắng mặt thì TAND TP Đà Nẵng vẫn có thể xét xử vắng mặt bị đơn. Đây cũng mới chỉ là tiền đề để phát sinh những hậu quả pháp lý sau nữa. Chúng ta sẽ tiếp tục các căn cứ phát sinh này để theo đuổi vụ kiện. Cụ thể là ta sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, củng cố chứng cứ khởi kiện ra tòa án quốc tế. 
Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng luật sư Đỗ Pháp - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)

Khởi kiện tàu cá Trung Quốc để đòi lại công bằng
Theo tôi, hiện nay chúng ta đã có clip ghi lại toàn bộ cảnh tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 TS chiều ngày 26-5. Clip này chính là bằng chứng xác định được thời điểm, số hiệu con tàu đâm chìm tàu ĐNa 90152 TS. Trên cơ sở này sẽ kiện chủ thể trực tiếp xâm hại quyền lợi của chủ tàu ĐNa 90152 TS là tàu vỏ sắt Trung Quốc số hiệu 11209. Trước mắt, chủ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm cần khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cần kiện trực tiếp chủ sở hữu hợp pháp của tàu vỏ sắt Trung Quốc đã cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam để đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân tàu cá đó. Căn cứ vào hành vi trên clip được ngư dân ghi lại, luật sư được sẽ gửi văn bản đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tìm cho ra chủ tàu này. Nếu họ vẫn cố tình giấu giếm thì khi đó mới kiện Nhà nước Trung Quốc. Luật sư Trần Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Mạnh Hùng