Tàu cá của ngư dân chưa vươn khơi đã hư hỏng: Đăng kiểm nói gì?

ANTD.VN -Đại diện Đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, liên quan đến vụ tàu cá nằm bờ, việc phân định trách nhiệm đúng, sai của các bên sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Bình Định.

Trả lời về việc có ý kiến cho rằng cơ quan đăng kiểm chưa làm hết trách nhiệm khi để doanh nghiệp đóng tàu thay đổi thiết kế, thay đổi vật liệu thân tàu, thay đổi máy so với hợp đồng nhưng vẫn được đưa vào lưu hành, ông Vũ Thái Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết:  Việc tàu hỏng, máy không đúng theo hợp đồng xảy ra ở hai doanh nghiệp đóng tàu là: Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu (Công ty Nam Triệu) có 8/9 máy tàu không chính hãng; Còn 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, tại thời điểm đăng kiểm thì thép làm vỏ tàu là của Trung Quốc mác A.

“Theo quy phạm tiêu chuẩn thì thép mác A của Trung Quốc đủ tiêu chuẩn để đóng tàu”, ông Hệ nói.

Sắp tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ có kết luận về trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tàu cá bị thay đổi thiết kế, vỏ, máy...

Ông Hệ cho biết trong hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp đóng tàu và chủ tàu, không thể hiện chủng loại thép mà nội dung này chỉ ghi trong khái toán. Mà khái toán thì chỉ chủ tàu và doanh nghiệp đóng tàu biết.

Trả lời về việc Trung tâm Đăng kiểm có biết sự thay đổi chủng loại thép hay không, ông Hệ cho rằng: “Việc thay đổi về thép thì chỉ cán bộ đăng kiểm trực tiếp giám sát tại hiện trường biết. Và ở thời điểm ấy tôi chưa nhận được báo cáo của anh em”.

Theo báo cáo giải trình của ông Nguyễn Quang Hoà- đăng kiểm viên hạng II, tổ trưởng tổ Đăng kiểm số 3 (gồm 4 thành viên) được Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phân công giám sát 20 tàu cá vỏ thép của tỉnh Bình Định đóng tại Công ty Nam Triệu thì, tổ này thực hiện các bước kỹ thuật đăng kiểm đóng mới tàu vỏ thép theo đúng Quyết định 96/2007 của Bộ NN&PTNT, như đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật máy chính trước khi lắp đặt trên tàu.

“Các đăng kiểm viên được cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ gốc gồm: CO, CQ, Test record, chứng thư giám định. Qua đối chiếu các giấy tờ trên và kiểm tra thực tế thì trên thân máy chính có Mac (Etyket) và số chìm, đối chiếu với các giấy tờ trên phù hợp thì cho lắp xuống tàu", ông Hoà giải trình.

“Tuy nhiên đến ngày 28-4-2017, Sở NN&PTNT Bình Định có công văn gửi Trung tâm Đăng kiểm mời họp để giải quyết một số tàu bị hỏng máy chính và máy phát điện. Qua phản ánh của các chủ tàu, họ nghi ngờ 11 tàu cá lắp máy Mitsubishi không phải máy chính hãng; 8 tàu lắp máy Doosan của Hàn Quốc  thì có 1 tàu bị gãy trục và hỏng máy phát điện Doosan”, báo cáo của ông Hòa cho hay. 

Đề cập trách nhiệm liên quan đến những sai sót này, ông  Vũ Thái Hệ cho biết: “Việc phân định trách nhiệm đúng, sai của các bên sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Bình Định sau khi có kết quả báo cáo của Tổ thẩm định của địa phương này. Và khi đó chúng tôi sẽ thông báo thông tin cho báo chí”.

“Hiện nay Tổng cục Thuỷ sản cũng đang tiến hành rà soát tất cả các quy trình, quy phạm đăng kiểm tàu cá theo Quyết định 96/2007 của Bộ NN&PTNT. Nếu có vướng mắc gì chúng tôi sẽ giải trình”- ông Hệ nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm  đăng kiểm tàu cá, cơ quan đăng kiểm là đơn vị tiến hành đăng kiểm về mặt an toàn của con tàu tại thời điểm kiểm tra. “Nếu đạt yêu cầu thì mới được đi vào hoạt động”.

Tuy nhiên ông Hệ cũng thừa nhận “Khi con tàu mới đưa vào hoạt động mà đã hỏng, thì con tàu chắc chắn có vấn đề gì đó xảy ra. Dù gì thì sự cố hỏng tàu này xảy ra ở Bình Định là đáng tiếc”.