Tát vừa, tát nhẹ, tát mạnh và sự thật của 231 cái tát "đạt chuẩn"

ANTD.VN - Những tưởng chuyện đáng buồn xảy ra ở trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã có hồi kết khi hình thức kỷ luật cho cô giáo được đưa ra thì hôm nay, dư luận lại hoàn toàn bất ngờ trước thông tin: Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 phải trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến chuyện bạo hành và làm nhục học sinh của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Những câu hỏi đưa ra chỉ để nhằm mục đích che đậy sự thất bại trong giáo dục của Ban giám hiệu nhà trường và cứu vãn thành tích mà ngôi trường này cho là mình xứng đáng được có.

Ngày 24-11, học sinh  lớp 6/2 trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải trả lời đầy đủ các câu hỏi trong phiếu điều tra do nhà trường yêu cầu. Có cả thảy 19 câu hỏi được đưa ra và bắt những đứa trẻ phải trả lời và ký tên vào “biên bản”. Trong đó, có những câu hỏi với nội dung: “Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?”; “Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?”; “Khi bị tát bạn N. có khóc không?”; “Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?”; “Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?”; “Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?”; “Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?”; “Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?”...

Sau khi trả lời câu hỏi kể trên, học sinh lớp 6/2 phải ghi giới tính cùng họ tên đầy đủ của mình vào phiếu điều tra. Cuối phiếu các em cũng phải viết đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…”. Thế rồi, căn cứ vào bản câu hỏi này của học sinh, Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Lệ Anh đã có Báo cáo gửi Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Ninh ngày 26-11.

Báo cáo có đoạn: “Chiều 24-11-2018, nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Tất nhiên, trong báo cáo này, nhà trường đã né bất cứ những thông tin gì bất lợi cho trường, cho cô Thủy và những thứ mà nhà trường “lấy lời khai” của học sinh cũng có nhiều chi tiết “lệch” so với những kết quả mà báo chí đã từng gặp gỡ, trò chuyện với học sinh lớp 6/2 vài ngày trước.

Hiệu trường nhà trường cũng đã khẳng định trên một số tờ báo, rằng việc điều tra này không có gì sai trái, mục đích là nhằm tìm ra sự thật của 231 cái tát. Trước đó, cũng chính cô Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đã từng đề nghị phóng viên một số báo rằng không đưa tin vì trường đang chuẩn bị được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ II.

Thật là kinh hãi khi trên bục giảng, cô giáo ngồi bình thản để 23 bạn trong lớp, thay cô “dạy dỗ” một bạn mà cô cho là chưa ngoan. Rồi lại là chính cô, sau khi ngồi đếm đủ 230 cái tát “đạt chuẩn” cũng đích thân xuống tay tát cho học sinh của mình 1 cái trời giáng cuối cùng. Phải chăng, cái tát này của cô chắc cũng “đạt chuẩn”?

Lên một cấp cao hơn, cô Hiệu trưởng, thay vì xót xa học sinh ngay trong ngôi trường của mình bị tát đến mức phải nhập viện, thì cô ngồi đó lo cho thành tích của trường không đạt chuẩn. Cô ngồi nghĩ ra 19 câu hỏi kiểu “thập diện mai phục” để những đứa trẻ phải viết câu trả lời trong sợ hãi. Rồi những “tờ lời khai” đó cô dùng làm “vũ khí” để lấp liếm, để bao che, để biện minh rằng trong ngôi trường của cô là an toàn, là thân thiện, là tích cực, là cô giáo như mẹ hiền.

Còn nhớ sự việc cô Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên - Hà Nội đi taxi vào sân trường, đâm phải một học sinh khiến em này gẫy chân mà cô chẳng buồn thăm nom rồi đổ cho đứa bé chạy chơi rồi ngã. Giá như cô giáo hành xử như một người tử tế, đưa đứa trẻ đi bệnh viện rồi xin lỗi gia đình em thì chắc cả xã hội đã không phải phẫn nộ, vì đơn giản nó chỉ là tai nạn không ai mong muốn. Đằng này, cô giở đủ chiêu trò, xóa nhẹm việc mình gây ra, đổ lỗi cho học sinh nghịch ngợm, cố vớt vát để không làm ảnh hưởng thành tích cho trường.

Thành tích là cái gì? Sao ngôi trường nào cũng tôn vinh khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” mà những thứ lễ nghĩa, đạo đức tối thiểu đó còn quá xa vời với ngay chính bản thân những người “đưa đò”. Có thể, trường THCS Duy Ninh năm nay không đạt trường chuẩn, nhưng “với những thành tích đã đạt được” thì biết đâu, chỉ năm sau thôi, vinh dự ấy lại vẫn thuộc về họ. 

Bạo hành học đường giờ không còn là chuyện xa lạ. Thi thoảng dư luận lại ồn ào. Vụ sau bao giờ cũng gây “sốc” hơn những vụ trước. Tất nhiên, cũng là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” bởi quanh ta còn bao điều tốt đẹp, những tình cảm thầy - trò đầy xúc động. Nhưng mà, “sâu” dạo này nhiều quá, nồi canh “rầu” liên tục là nguồn cớ từ đâu? Rồi người ta nói căn nguyên là do “bệnh thành tích khá và giỏi”, đương nhiên phải cố gắng phấn đấu, nỗ lực “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Song, nếu cứ đậy mãi những vụ việc tiêu cực, thử hỏi, những đứa trẻ sẽ ra sao khi lớn lên bằng “bệnh thành tích” như thế thì ngành Giáo dục liệu có được gọi là… thành công?