Tất thông minh bảo vệ bệnh nhân tiểu đường

ANTĐ -Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Silicate Fraunhofer (Wurzburg, Đức) đã phát triển thành công một loại tất cảm biến có thể giúp các bệnh nhân tiểu đường khắc phục tối đa tình trạng tổn thương bàn chân.

Tất thông minh bảo vệ bệnh nhân tiểu đường ảnh 1
Giám sát tình trạng bệnh nhân với cả 3 chiều áp lực 

Phản ứng của các dây thần kinh ở chân của bệnh nhân tiểu đường không được “nhạy” như người khỏe mạnh. Việc đôi khi mất cảm giác ở bàn chân có thể gây ra tình trạng lở loét mà người bệnh không hề hay biết, thậm chí gây nguy cơ áp-xe phải cắt bỏ gót và bàn chân. 

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Frauhofer cho biết, cấu tạo của tất khá đơn giản.

Chất liệu chủ yếu tạo thành chiếc tất thông minh này có thể là vải, sợi tổng hợp hoặc cotton, nhưng phải có đặc tính nổi bật nhất là hút ẩm tốt nhất và thoáng khí. Giữa 2 lớp vải trên, các nhà khoa học đặt một tấm silicon mỏng và co giãn tốt, với 2 mặt được gắn khoảng 40 điện cực mềm và dẻo được làm từ than chì (cảm biến điện dung).

 Mũi tất được gắn một module điện tử có kích thước chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo. Do đó, khi áp lực dồn lên một khu vực nào đó của bàn chân người bệnh, lớp silicon tại đó sẽ bị đè nén và giãn rộng ra khiến cho điện dung tăng lên nhanh chóng.Hiện nay, trên thị trường cung cấp thiết bị hỗ trợ y tế cũng có nhiều loại tất dành cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng nó chỉ giúp bệnh nhân cảm nhận được áp lực ở mặt dưới của bàn chân.

Còn đối với chiếc tất thế hệ mới này, người bệnh có thể nhận ra những tín hiệu cảnh báo khi chuyển trọng tâm của cơ thể ở cả 3 chiều là mặt dưới bàn chân, gót chân, mu bàn chân và mắt cá chân. “Tất cảm biến thông minh của chúng tôi có thể phát hiện trọng lực quá tải ở cả 3 chiều. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mới”, Tiến sĩ Bernhard Brunner, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết. 

Kết nối với các thiết bị thông minh

Tiến sĩ Brunner phân tích, khi áp lực dồn lên đôi chân của bệnh nhân tiểu đường, lớp silicon sẽ giãn ra ở vị trí trọng lực tác động khiến cho điện dung tăng, tạo ra tín hiệu điện truyền tới các cảm biến và module điện tử sẽ phân biệt những thay đổi áp lực rồi gửi cảnh báo đến các thiết bị thông minh của bệnh nhân như smartphone hay máy tính bảng thông qua mạng không dây.

 Từ đó, giúp bệnh nhân nhận biết được thời gian cần phải thay đổi vị trí của bàn chân hoặc phân bổ trọng lực sang bàn chân kia để giảm thiểu  nguy cơ gây tổn thương. “Có khoảng 40 cảm biến điện dung được thiết kế ở nhiều vị trí khác nhau, do đó phạm vi truyền phát thông tin là rất rộng”, Johann Hauer, quản lý dự án cho biết. 

Hiện tại, mô hình nguyên mẫu có khá nhiều thiết bị điện tử và cảm biến nên các nhà khoa học vẫn chưa hài lòng về kích thước của chiếc tất. “Chúng tôi đang lên kế hoạch trong thời gian ngắn nhất có thể đưa nó về hình dạng như chiếc tất bình thường, nhỏ hơn, bền và thoáng mát hơn. Ngoài ra, yếu tố làm sạch các thiết bị cũng được chúng tôi chú ý đến và đang cải tiến nó có thể chống nước và chất tẩy rửa”, Tiến sĩ Brunner nói. 

Vì thành phần chính của tất thông minh là sợi tổng hợp hoặc cotton nên người bệnh tiểu đường có thể sử dụng rất thuận tiện trong mọi thời điểm và hoàn cảnh. “Điều quan trọng là bệnh nhân có thể đi hàng ngày để giúp phát hiện sớm các nguy cơ” - Tiến sĩ Brunner cho biết.

Đáng nói là sản phẩm này không chỉ dùng cho  bệnh nhân tiểu đường mà còn có ích cho nhiều đối tượng khác, chẳng hạn như vận động viên, đặc biệt là môn điền kinh khi giúp các vận động viên phân tích được kiểu chạy và vị trí bàn chân của họ để nâng cao hiệu quả luyện tập cũng như thi đấu. Được biết, sản phẩm sẽ được trưng bày tại Viện Đo lường Nuremberg (Đức) từ ngày 19 đến 21-5, mức giá được các nhà khoa học dự kiến khoảng 250 euro, tương đương 280 USD/đôi.