Tắt sóng 2G: Người dân hưởng lợi ích gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Người dân được hưởng nhiều lợi ích khi tắt sóng 2G. Các nhà mạng và doanh nghiệp bán lẻ đang hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên 4G.
Tắt sóng 2G để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội

Tắt sóng 2G để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội

Ngày 18-7, báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G người dân cần chuẩn bị gì?”.

Người dùng có lợi khi chuyển sang 4G

Theo kế hoạch của Bộ TT-TT, đến tháng 9-2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới tắt sóng 2G vào năm 2026.

Việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến giữa năm nay, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ.

Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.

Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Trong đó, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ bỏ dịch vụ chất lượng thấp và chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam với mục tiêu của Chính phủ là “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện, vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn với Chính phủ, sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Khẳng định tắt sóng 2G sẽ mang lại nhiều lợi ích, ông Đoàn Quang Hoan- Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử cho biết, việc tắt sóng 2G ở Việt Nam khác các nước khác, ở chỗ đây không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của Nhà nước và người dân.

Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng, chỉ có một chút băn khoăn ở các nhà mạng, bởi phân khúc kinh doanh khác nhau, tắt sóng có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh.

Đặc biệt, điều quan trọng là tắt sóng 2G nhưng nhà mạng vẫn phải đảm bảo sự thông suốt dịch vụ cho khách hàng, người dân phải smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng, smartphone phải được cung cấp với giá cả cả hợp lý.

“Dù khó thế nào vẫn phải tắt sóng 2G, chuyển đổi, nhưng phải quan niệm đó là sự chuyển đổi chứ không phải chỉ “tắt” thuần tuý, chuyển đổi từ chuyển mạch kênh sang IP, chuyển đổi các dịch vụ...”- ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.

Thuê bao 2G giảm nhanh nhưng vẫn khó khăn khi chuyển đổi

Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, cùng với công tác truyền thông, thông tin, Bộ TT-TT đã có những chính sách tốt như: tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, sẽ tạo điều kiện để việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng.

Ông Lê Đắc Kiên- Phó Tổng Giám Đốc VNPT VinaPhone cho hay, VinaPhone đang có kế hoạch chuẩn bị trạm 4G để thay thế 2G. “Chúng tôi đang dùng tần số 900 MHz phủ rất xa, do ngư dân chỉ dùng feature phone để nhắn tin, nhu cầu của họ chỉ vậy. Khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.

VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G. Người dân hoàn toàn yên tâm do việc trải nghiệm điện thoại đó giống máy feature phone cũ.

Những người chỉ có nhu cầu nghe gọi nhắn tin cũng không gặp vấn đề, chỉ cần chuyển đổi thiết bị”- ông Nguyễn Đắc Kiên nói.

Tuy vậy, theo đại diện VinaPhone, theo cam kết thì đến tháng 9 tất cả khách hàng sẽ chuyển sang 4G. VinaPhone hiện còn khoảng 1,5 triệu khách hàng chưa chuyển đổi, mặc dù đã làm nhiều cách; có một số khách hàng do tâm lý, hoặc do truyền thông không tới, do đó khi tắt sóng 2G một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.

“Trong trường hợp khó khăn quá sẽ cho phép can thiệp kỹ thuật, kéo dài một chút để khách hàng không bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ hỗ trợ thiết bị giá rẻ, gói cước, nhưng cũng rất khó bao được hết tất cả khách hàng, mong Bộ TT-TT có nguồn Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ thêm.

Cùng với đó, cần có giải pháp kiểm soát chặt để tránh thiết bị đầu cuối trôi nổi trên thị trường”- đại diện VinaPhone kiến nghị.

Ông Bùi Sơn Nam- Phó Tổng Giám đốc MobiFone cũng cho hay, tỷ lệ người dùng 2G giảm rất nhanh ở MobiFone, giờ còn khoảng dưới 5% khách hàng. Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, hỗ trợ gói cước, tham gia cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị để hỗ trợ chuyển đổi; triển khai các chương trình hỗ trợ máy feature phone 4G.

“Hiện 100% SIM 2G đã chuyển đổi và toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G. Vì thế, khách hàng chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể sử dụng mà không cần đổi SIM. MobiFone mong cơ quan quản lý nhà nước tăng cường truyền thông việc tắt sóng 2G đến toàn bộ người dân, để họ ý thức được việc này trước ngày 15-9. Nếu họ cứ để đến ngày cuối mới chuyển đổi thì sẽ dẫn đến quá tải”- ông Bùi Sơn Nam kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Trọng Tính- Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao, con số rất lớn so với các năm trước.

Đến ngày 1-7, Viettel không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G Only. Chính sách này giúp số lượng thuê bao 2G từ đầu năm nay chỉ còn 1/5 so với các năm trước, giúp thuê bao mới 2G hoà mạng không còn.

Đại diện Viettel cho hay, nhà mạng đã đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giám giá máy từ 30-50%, bố trí điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7 nhưng vẫn gặp khó khăn vì khách hàng không hợp tác.

“Với khách hàng Viettel, 70% ở nông thôn, miền núi, đối tượng khó khăn, hộ nghèo nhiều, không có khả năng chi trả nên cũng khó khăn trong việc chuyển đổi.

Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 9-2024, việc đảm bảo các thiết bị đầu cuối là khó. Theo khảo sát, các điểm bán hàng đã bán ra khoảng 500.000 máy, một nửa trong đó là smartphone dưới 3 triệu đồng.

Nhưng đến tháng 9 năm nay, chúng tôi phải chuyển đổi 5-6 triệu thuê bao nữa, năng lực cung cấp thiết bị của thị trường không đủ”- ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.

Đại diện Viettel đề xuất các nhà cung cấp nâng sản lượng máy vì đây là yếu tố quyết định việc chuyển đổi 2G có thành công hay không.