Quốc hội thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992:

Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

ANTĐ - Phát biểu trước nghị trường trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân là nguyên tắc bất biến. Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu định hướng, các góp ý cần tập trung vào vấn đề quyền con người, quyền lực nhà nước thống nhất, vị trí các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cơ chế bảo hiến… 

Cần trưng cầu ý kiến nhân dân 

Tuy bấm nút phát biểu khá muộn song ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đưa ra nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH. Từ cách đặt vấn đề, nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân là nguyên tắc bất biến của tất cả các bản Hiến pháp.  Ông cho biết, nếu Quốc hội đồng ý bằng một nghị quyết, thì trưng cầu dân ý - một trong những quyền dân chủ trực tiếp quan trọng nhất của người dân - sẽ được thực hiện.

Trước đó, ý kiến phát biểu của ĐBQH Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đã thể hiện quan điểm, quyền lực Nhà nước không phải tự nhiên sinh ra, mà xuất phát từ nhân dân. Khi xác định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan công chức Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích của nhân dân. Tất yếu đó đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Đại biểu này góp ý, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi hệ thống quyền lực. Ông cũng cho rằng, nên quy định chế định về trưng cầu ý dân với các nội dung để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Tương tự, ĐBQH Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cho biết: tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình thông qua Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần phân định, phân công nhiệm vụ, quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ một cách hợp lý, khoa học. 

Về nội dung các thành phần kinh tế đưa ra trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, còn 2 luồng ý kiến khá đối nghịch đưa ra trong phiên thảo luận. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, còn kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ 2 lại cho rằng, cần cân nhắc việc liệt kê các thành phần kinh tế trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bởi Hiến pháp là đạo luật gốc nên không cần đưa vào các nội dung quá cụ thể… 

Cần thiết có các chế định độc lập

Nội dung nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính là sự cần thiết thành lập các định chế độc lập và cơ chế bảo hiến. ĐBQH Bùi Ngọc Chương nhất trí cao với việc quy định trong Hiến pháp để Quốc hội thành lập 2 cơ quan độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Giống như ý kiến của nhiều ĐBQH khác, đại biểu Bùi Ngọc Chương góp ý, Kiểm toán Nhà nước cần một chế định độc lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Mặt khác, cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia mà còn các nguồn lực khác của quốc gia. 

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định về Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập. Tuy nhiên, tôi góp ý, người đứng đầu cơ quan này, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải được bầu trong số các ĐBQH”. 

“Rất khó có Hiến pháp hoàn hảo”

Rất khó để xây dựng một bản Hiến pháp hoàn hảo bởi thực tế Hiến pháp chỉ phù hợp cho từng giai đoạn hoặc từng thời kỳ phát triển theo quan điểm của chủ thể Hiến pháp. Theo tôi, Hiến pháp phải mang một sứ mệnh lịch sử to lớn với tầm nhìn dài hạn, định hướng cho chiến lược phát triển đất nước phù hợp với cương lĩnh đã được bổ sung và sửa đổi phát triển. Điều đó có nghĩa là ngoài vai trò tạo nền tảng dân chủ và pháp lý vững chắc Hiến pháp phải là bản tuyên ngôn về sứ mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam. 

ĐBQH Phạm Trọng Nhân 

“Thấy được những vấn đề hệ trọng, cốt lõi”

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện nhiều tư tưởng pháp luật đổi mới một cách căn bản, thể hiện nhất quán những điều được khẳng định trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và khắc phục một cách căn bản những bất cập do hoàn cảnh lịch sử có nhiều thay đổi lớn của Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện rõ và tuyên bố để quốc dân, đồng bào thấy được những vấn đề hệ trọng, cốt lõi sẽ được sửa đổi, bổ sung và phát triển trong Hiến pháp lần này. 

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ