Tập trung nguồn lực, phát triển Thủ đô xứng với kỳ vọng của cả nước

ANTĐ - Ngày 5-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và nghe báo cáo quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân- Nội Bài. Trong đó, về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành cùng có trách nhiệm với Hà Nội để phát triển Thủ đô lên một tầm cao mới.

Tập trung nguồn lực, phát triển Thủ đô xứng với kỳ vọng của cả nước ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, năm 2014, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Hà Nội đã quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo và điều hành, linh hoạt trong quản lý và năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Ngay trong những ngày đầu năm 2015, các cấp, ngành của TP đã chủ động triển khai nhiệm vụ, tổ chức sản xuất. Lãnh đạo TP cũng đã tổ chức gặp, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kiểm tra đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình trọng điểm. Nhờ đó, 2 tháng đầu năm 2015, công nghiệp tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ 2014, thương mại dịch vụ tăng 15,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 10,9%...

Để đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách (ít nhất là 45%, hiện tại là 42%); cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng với mức dư nợ từ nguồn vốn huy động tối đa không quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước của ngân sách TP; để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập.

 Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư. Đặc biệt, do nhu cầu vốn ngân sách cấp cho các dự án trọng điểm lớn, khả năng cân đối ngân sách của TP không đáp ứng được nên Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét ưu tiên cân đối vốn cho các công trình trọng điểm quan trọng…

Đồng ý với nhiều đề xuất của Hà Nội

Qua thảo luận, đa số ý kiến các thành viên Chính phủ tán thành với các đề nghị của Hà Nội và góp ý làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến cơ chế đầu tư, thu hút vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch đô thị hay về tổ chức bộ máy. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Hà Nội không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là Thủ đô của cả nước, do đó, cần ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia và tháo gỡ khó khăn, đầu tư cho xây dựng, phát triển Hà Nội. Đó cũng là nhiệm vụ phát triển bộ mặt trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu, thể hiện qua những kết quả toàn diện mà TP Hà Nội đã đạt được trong các năm qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu, trong nước gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy nội lực, lợi thế và tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình để làm tốt hơn nữa. Đồng thời, cần ra sức khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém để chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sống, môi trường văn hóa xã hội…, đưa Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân cả nước. 

Với những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cơ bản đồng ý và nhấn mạnh, về cơ chế đặc thù, cần đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong xây dựng Thủ đô, tăng cường phân cấp, ủy quyền trong những lĩnh vực pháp luật cho phép để Hà Nội tự chủ, năng động, sáng tạo, xây dựng phát triển và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ. Trọng tâm trong năm 2015 là thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được đề ra gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tốt cho Kế hoạch 5 năm (2016-2020). 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hà Nội đạt được thành tích toàn diện

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Thủ tướng cho  rằng, những thành tựu mà Hà Nội đạt được là toàn diện trên các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tới quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… Thủ tướng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nội lực; tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiềm năng lợi thế cũng như những kết quả đạt được.

Thủ tướng đồng ý thành lập Sở Du lịch Hà Nội

Với vị trí là Thủ đô, trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Theo số liệu của Sở VH-TT&DL Hà Nội, năm 2014, số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã đạt mức 3 triệu lượt người, tăng 16% so với năm 2013. Lượng du khách trong nước đến Thủ đô cũng đạt khoảng 15,5 triệu lượt người, tăng 11%. Doanh thu từ du lịch của Hà Nội ước đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Liên tục trong nhiều năm qua, Hà Nội trở thành điểm đến được du khách và bạn đọc của các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của châu Á và là 1 trong 10 điểm đến du lịch đang nổi của thế giới.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về việc thành lập Sở Du lịch, đồng thời yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đề xuất trên.

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội 2015, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều nhất trí đánh giá Hà Nội luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm như kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư thuận lợi...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Chăm lo tốt đời sống nhân dân

"Trong năm 2014 cũng như các năm trước, hệ thống ngân hàng, tài chính trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế cũng như phát hành trái phiếu tạo thêm nguồn vốn phát triển. Trong thời gian tới, đề nghị lãnh đạo TP tiếp tục quan tâm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, kết nối hiệu quả ngân hàng - doanh nghiệp, với sự tham gia của chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, TP đã làm tốt công tác bình ổn giá, chăm lo đời sống người dân. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động đề xuất với Hà Nội chương trình phục vụ công tác bình ổn giá. Hệ thống ngân hàng sẽ vào cuộc bằng cách cho doanh nghiệp vay ưu đãi để sản xuất các mặt hàng bình ổn giá. Chương trình này sẽ giúp chỉ số giá cả của Hà Nội ổn định, tiết kiệm ngân sách".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Đi đầu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn mới

"Thường xuyên làm việc và phối hợp với TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT đánh giá Hà Nội đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp đạt hiệu suất cao với thu nhập bình quân (năm 2014) trên 1 ha là 230 triệu đồng (so với bình quân cả nước là 70 triệu đồng/ha). Công tác xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội được triển khai nghiêm túc, hiệu quả với 108 xã đã hoàn thành. Chúng tôi đồng tình với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của TP theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nông sản giá trị cao".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài

"Là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, năm 2014, Hà Nội thu ngân sách hơn 130.000 tỷ đồng. Đây là nguồn thu rất quan trọng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Hà Nội cũng là một trong những nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ODA) lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2004-2008, TP tiếp nhận ODA 1,3 tỷ USD (chiếm 26% ODA dành cho địa phương). Riêng năm 2014, TP thu hút 1,3 tỷ USD ODA. Giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã điều tiết về Trung ương 73.000 tỷ đồng/1 năm, đây là con số không nhỏ trong điều kiện chung còn nhiều khó khăn".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Làm rất tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự

"Khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá, Gia Lâm là mô hình điển hình của Hà Nội và cả nước. Đây là mô hình mới phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân. TP cũng rất quan tâm, đã và đang triển khai tốt công tác xây dựng, cải tạo chung cư cũ. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP để đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Hà Nội cũng đã làm rất tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư thân thiện, an toàn".