Tập huấn chuyên sâu các phương pháp phòng ngừa cháy, nổ

ANTD.VN - Nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy xảy ra, Phòng cảnh sát PCCC số 9 - Hà Đông, Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội đã phối hợp với CAQ Hà Đông tổ chức Hội nghị, tập huấn chuyên sâu về công tác PCCC.

Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, năm 2017 toàn thành phố xảy ra 820 vụ cháy, làm chết 22 người, thiệt hại ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 28 vụ (so với năm 2016 giảm 20 vụ); không có thiệt hại về người (giảm 1 người chết, 3 người bị thương so với năm 2016), thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 1 tỷ đồng, loại hình xảy ra cháy chủ yếu là nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 9 hướng dẫn, trao đổi về an toàn PCCC tại CAQ Hà Đông

Trước xu thế phát triển đô thị hiện nay đã kéo theo nguy cơ cao tiềm ẩn cháy, nổ. Quận Hà Đông được xác định là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh với  các khu đô thị mới đang hình thành và phát triển nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí thường xuyên tập trung đông người; các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, dịch vụ lưu trú, karaoke… đây là những lĩnh vực đòi hỏi rất cao về công tác PCCC và thường chiếm tỷ lệ lớn trong các loại hình có vi phạm về an toàn PCCC.

Nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu UBND quận, UBND các phường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận nói chung, các phường thuộc quận nói riêng, đòi hỏi mỗi CBCS của lực lượng Quản lý hành chính CAQ cần nắm vững các biện pháp nghiệp vụ của ngành, cũng như các kiến thức cần thiết khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn phụ trách.

Trong đó, việc trang bị những kiến thức cơ bản về công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng là một nội dung rất quan trọng, để mỗi CBCS trong quá trình quản lý lĩnh vực, địa bàn, cơ sở, quản lý các hộ dân có thể phát hiện, hướng dẫn các cơ sở, các hộ dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, cũng như những kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, thường xuyên phối hợp tốt với lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra, tham mưu xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về an toàn PCCC.

Qua đó nhằm giảm thiểu nguyên nhân xảy ra cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.

CBCS tại hội nghị tập huấn PCCC

Tại hội nghị, hai đơn vị đã trao đổi Luật an toàn PCCC, công tác chuyên sâu về phòng ngừa, cháy nổ, cách sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ, vách tường…

Đồng thời hai bên đã trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, lĩnh vực liên quan đến công tác PCCC. Sau đó, CBCS đã thực hành phương tiện PCCC theo hướng dẫn của các chuyên gia thuộc Phòng cảnh sát PCCC số 9.

Trung tá Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 9 cho biết: “Việc tổ chức tập huấn không chỉ phổ biến, hướng dẫn một số nội dung, quy định cơ bản của pháp luật về Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đối với các loại hình cơ sở khác nhau.

Đồng thời còn hướng dẫn, tuyên truyền cho các học viên nắm bắt đầy đủ những nguy cơ, yếu tố có thể phát sinh cháy nổ, những nguy hiểm cháy nổ khi xảy ra đối với các loại hình cơ sở như: cơ sở cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, gas, xăng dầu, dịch vụ lưu trú, karaoke, nhà dân…

Qua đó, CBCS nắm bắt được cơ bản nguyên lý; cách thức kiểm tra; cách thức sử dụng các hệ thống phương tiện PCCC cơ bản như: hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động, các phương tiện bình chữa cháy xách tay, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; phổ biến một số trang thiết bị, phương tiện cơ bản, rất cần thiết đối với các cơ sở, nhà dân để góp phần cảnh báo sớm khi xảy ra cháy và triển khai được phương trâm “4 tại chỗ” khi có chảy xảy ra”.