Tập đoàn T&T lấn sân sang đường bộ cao tốc với dự án Bảo Lộc- Liên Khương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang là đơn vị đề xuất dự án cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương. 

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình gửi Bộ KH-ĐT đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP.

Công trình này do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang là đơn vị đề xuất dự án với tổng chiều dài tuyến là 73,64 km. Dự án có điểm đầu tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (điểm cuối của Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc); điểm cuối tại Km 200, giao với đường cao tốc Liên Khương – Prenn tại Km 208+650, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy hoạch, dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ khai thác 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.

Lâm Đồng kiến nghị làm cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương theo hình thức PPP

Lâm Đồng kiến nghị làm cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương theo hình thức PPP

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2022 – 2025) sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h; khoảng 8 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp rộng 24,75 m; giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ đầu tư xây dựng theo quy mô hoàn chỉnh cùng hệ thống đường song hành đồng bộ.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng; tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 2 là 5.420 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, vốn Nhà nước tham gia vào dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 8.532 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2 sẽ do nhà đầu tư huy động toàn bộ.

Với mức thu phí khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km, giai đoạn 1 dự kiến hoàn vốn trong vòng 17 năm 7 tháng; giai đoạn 2 hoàn vốn trong vòng 10 năm 7 tháng.

Ngoài các cơ chế ưu đãi theo Luật PPP, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, ưu đãi đầu tư theođĐề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được chi tiết các nội dung trong bước thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trước đó, năm 2020, Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.