Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường đã thông báo kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Theo đó, năm 2016 là năm hết sức khó khăn đối với ngành Dệt May Việt Nam do tình hình dệt may toàn cầu đều suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam (DMVN) tăng trưởng chậm hơn các năm trước, chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 5%, tăng gần 1,5 tỷ USD so với năm 2015.
Vinatex sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm dệt may
Kết quả SXKD của Tập đoàn: Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) (theo giá thực tế) ước đạt 37.757 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu (tính đủ) đạt 2.477 tỷ đồng, bằng 104% so cùng kỳ; tổng doanh thu (không VAT) đạt 40.563 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ( không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; thu nhập bình quân người lao động đạt 6.690 nghìn đồng/người/tháng, tăng 8% so cùng kỳ.
Năm 2016 cũng là năm Tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, tổng cộng có 41 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 5.523,7 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án Sợi có TMĐT 2.048,3 tỷ đồng; 9 dự án Dệt Nhuộm với TMĐT 1.399,5 tỷ đồng; 17 dự án May với TMĐT 1.824,7 tỷ đồng; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị với số tiền 251,2 tỷ đồng.
Trong 8 dự án của Công ty mẹ Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm chủ đầu tư thì 7 dự án đã đi vào hoạt động, bao gồm: dự án Nhà máy Sợi Nam Định quy mô 2,1 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 4/2016; dự án Nhà máy Sợi Phú Cường quy mô 3 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 5/2016; dự án Nhà máy May Vinatex Cần Thơ gồm 29 chuyền may, vận hành sản xuất thử từ tháng 4/2016…
Trong năm 2017, Tập đoàn Vinatex tiếp tục phát triển sản xuất gắn với đảm bảo môi trường và tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học áp dụng vào các sản phẩm dệt may, mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường trọng tâm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đem lại giá trị trong xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập người lao động.