Tạo thế trận liên hoàn, khép kín bắt tại trận "cát tặc"

ANTD.VN - Trong suốt những năm qua, cuộc đấu tranh với “cát tặc” của Phòng CSGT, CATP Hà Nội diễn ra quyết liệt. Chỉ tính trong gần 3 năm trở lại đây (từ 2016 đến nay), đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 434 vụ với 489 phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố.

Đối với những chương trình, kế hoạch công tác của Phòng CSGT, mảng việc về đấu tranh xử lý vi phạm “cát tặc” luôn được xem là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm. Còn các đối tượng vi phạm, thủ đoạn và cách thức hoạt động cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chống đối manh động hơn trước rất nhiều.

Quyết liệt xử lý vi phạm

Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội không giấu được sự búc xúc khi nhắc tới những hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép. Từ khi còn là người chiến sĩ, bao nhiêu năm lăn lộn dưới sông cho đến nay, anh thấu hiểu tường tận những vất vả, khó khăn, hiểm nguy mà CBCS đang phải đối mặt trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy, cũng như những mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép.

Hiện nay, Phòng CSGT đang được giao phụ trách 3 tuyến sông lớn gồm: Sông Hồng, sông Đuống, và sông Đà với tổng chiều dài 190,5 km, chảy qua địa bàn 17 quận, huyện; 106 xã, phường, thị trấn. Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trên toàn tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội còn 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác bãi nổi. Trên các tuyến địa bàn giáp ranh có 11 doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ, khai thác bãi nổi, nạo vét, cải tạo vũng nước cảng bến thủy nội địa.

Nhiều đối tượng lợi dụng những khu vực giáp ranh để khai thác cát trái phép

Đánh giá của Phòng CSGT cho thấy, từ đầu năm 2017 trở lại đây, hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến đã được ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để tồn tại các điểm nóng, phức tạp. Tuy nhiên, các đối tượng “cát tặc” vẫn lợi dụng những khu vực giáp ranh, nơi có các doanh nghiệp được cấp phép để hoạt động khai thác cát trái phép tại những khu vực như trên địa bàn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Thường Tín, giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Các doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác như: thời gian khai thác, phương tiện tham gia khai thác chưa đúng với phương tiện đã đăng ký thi công, số lượng phương tiện nhiều hơn, vị trí khai thác chưa đúng, có dấu hiệu lấn sang địa bàn TP Hà Nội; Không đặt báo hiệu và triển khai đúng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy (GTĐT) được Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam phê duyệt; Việc mua bán, vận chuyển cát hầu như không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

Tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa được lắp thêm các thiết bị khai thác cát trái phép có dấu hiệu ngày một gia tăng. Các phương tiện có thể thả neo thực hiện việc hút cát ở bất kì vị trí nào thuận lợi và chộp giật trong khoảng thời gian rất ngắn, hoạt động lưu động, không cố định gây khó khăn trong công tác phát hiện, bắt giữ; Trong khi đó các cấp, ngành chưa có biện pháp gì để cùng vào cuộc xử lý tình trạng phương tiện hoán cải, lắp đặt thiết bị hút cát trái phép.

CSGT  - CATP Hà Nội liên tiếp phát hiện, thu giữ nhiều tàu thuyền khai thác cát trái phép

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Cục CSGT, Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng CSGT đã chủ động xây dựng 10 kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát sỏi trên địa bàn thành phố. Thống kê, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã trực tiếp phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 434 vụ = 489 phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố. Cụ thể, trực tiếp phát hiện, bắt giữ 254 vụ với 257 phương tiện khai thác cát trái phép. Phối hợp các lực lượng khác phát hiện, bắt giữ 180 vụ và 232 phương tiện khai thác cát trái phép.

Cùng với việc xử lý, đơn vị đã tịch thu 295 bộ đầu nổ, sên, vòi, ống hút các loại và 103 gầu cuốc, 1 máy cẩu, 2 phao nổi có gắn thiết bị khai thác cát. Năm 2017, CSGT trực tiếp phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 173 vụ với 187 phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố. 4 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT đã trực tiếp phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 35 vụ với 35 phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

Rạch ròi trách nhiệm, phối hợp hiệu quả

Mặc dù xử lý quyết liệt như vậy, song chỉ huy Phòng CSGT vẫn nhìn nhận, các đối tượng khai thác cát trái phép luôn tìm đủ mọi cách để hoạt động. Một trong những nguyên nhân đó là, tuyến đường thủy dài và giáp ranh với nhiều địa phương (Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên). Công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương giáp ranh từ khâu nắm tình hình, trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ còn chưa chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả. Đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, hoạt động không theo quy luật, thời gian, vào lúc đêm tối khi không có lực lượng TTKS để thực hiện hành vi phạm tội, bố trí người giám sát lực lượng chức năng, khi bị phát hiện, các đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy, thậm chí có hành vi cản trở, chống đối quyết liệt gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Cần sự có phối hợp đồng bộ giữa nhiều lực lượng mới xử lý triệt để vi phạm "cát tặc"

Bên cạnh đó việc quy định áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên đường thủy chưa rõ ràng, thống nhất. Cùng một hành vi, tính chất nhưng có cơ quan lại áp dụng Nghị định số 132/NĐ-CP, có cơ quan lại áp dụng Nghị định số 33/NĐ-CP. Hiện NĐ 132/NĐ-CP không có chế tài xử lý đối với việc vận chuyển cát sỏi không có hóa đơn, chứng từ cũng gây khó khăn, trở ngại cho Cảnh sát đường thủy trong việc xử lý ngăn chặn hoạt động tiêu thụ cát khai thác trái phép.

Việc xử lý các bến thủy nội địa hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy gặp nhiều bất cập, vì không có quy định nào quy định thời hạn hết hạn giấy phép bao lâu thì coi là bến không phép. Công tác bảo quản, quản lý các tang vật, phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn như: Chưa có kho chứa các tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu; không có bến neo đậu tạm giữ các phương tiện vi phạm. Các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị, kinh phí, xăng dầu… trang bị cho lực lượng Cảnh sát đường thủy còn hạn chế, đa số các phương tiện đang sử dụng đã cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tuần tra kiểm soát (TTKS) và xử lý vi phạm trong tình hình mới.

Nếu không bị CSGT phát hiện, số lượng tài nguyên khoáng sản bị khai thác mất là rất lớn

Cùng với việc tập trung lực lượng thực hiện cao điểm đấu tranh phòng chống khai thác cát trái phép, Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn thông tin, chính quyền các đơn vị ở những khu vực giáp ranh với Hà Nội cần kiểm tra các dự án đã cấp phép, nếu phát hiện thấy các doanh nghiệp cấp phép không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản, không tuân thủ quy định về đảm bảo ATGT đường thủy và có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đình chỉ, hoặc thu hồi giấy phép khai thác. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát của các công ty được cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông.

Bên cạnh đó, CATP Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo UBND các huyện và các ngành chức năng xem xét việc đo đạc phân định ranh giới hành chính trên sông tại những vị trí cấp phép chồng lấn giữa huyện Yên Lạc - tỉnh Vĩnh Phúc với huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội để có cơ sở pháp lý phục vụ cho việc thực thi pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cũng như kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên sông tại khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương.