Tảo - Nguồn nhiên liệu của tương lai

ANTĐ - Những nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, dầu mỏ, than… đều đang đứng trước những cảnh báo cạn kiệt buộc nhân loại phải tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển được các loại tảo “nhả ra” ethanol, dầu lửa và thậm chí cả dầu diesel.

Tảo là một trong các giải pháp cho bài toán về năng lượng

Nhà khoa học Dan Robertson, phụ trách nghiên cứu của hãng công nghệ sinh học Joule Unlimited ở Mỹ và các cộng sự vừa giải được bài toán cung cấp nhiên liệu cho toàn thế giới khi tạo ra được các loại tảo này. Để sản sinh ra ethanol, dầu lửa, diesel, chúng chỉ cần ánh nắng mặt trời, khí thải CO2 và... nước biển. Giới khoa học Mỹ đã ca ngợi đây chính là một cuộc “cách mạng xanh” mới.

Ở nước Mỹ, có tới 40% các loại nhiên liệu được pha các “phụ gia sinh học”. Chỉ có điều việc sản xuất ethanol từ ngô đã vấp phải làn sóng phản đối trong khi thế giới còn thiếu lương thực. Một hecta trồng ngô có thể cung cấp gần 4.000 lít ethanol mỗi năm và việc sản xuất ra mỗi lít ethanol tiêu tốn tới 8.000 lít nước. Song việc làm này đã góp phần đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao, chính vì vậy, không ít chuyên gia năng lượng cho rằng việc sản xuất ethanol từ ngô và đậu tương là một cách tiếp cận sai lầm. Còn khi được sử dụng làm nguồn nhiên liệu sinh học, tảo có rất nhiều lợi thế quan trọng. Nuôi trồng tảo để sản xuất nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng đến mục đích sản xuất lương thực giống như với cây ngô vì việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo không đòi hỏi đất canh tác. Nó chỉ cần ánh nắng mặt trời, nước biển, khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 và một chút phân bón.

Do các loài tảo tiêu thụ một lượng lớn khí CO2 và sau này cũng chỉ thải ra một khối lượng tương tự, nên nó không tạo thêm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong chu trình sản xuất và đốt cháy nhiên liệu. Không những thế, sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo cho năng suất rất cao: một hecta đất sa mạc đầy ánh nắng có thể cung cấp một lượng nhiên liệu sinh học cao gấp 40 lần số nhiên liệu sinh học (140.000 lít) mà 1ha đất canh tác màu mỡ trồng ngô mang lại.

Công ty năng lượng Sapphire (California, Mỹ) là một trong những hãng đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học từ loài tảo và có tham vọng biến những vùng sa mạc mênh mông ở nước Mỹ thành những “cánh đồng trồng tảo”. Chỉ có điều, các loài tảo chưa biến đổi gene của Công ty Saphire chỉ cho ra dầu thô, trong khi phải trải các công đoạn thu hoạch và chiết xuất tảo khá tốn kém, phức tạp. Để khắc phục những nhược điểm nói trên, các nhà khoa học như Dan Robertson đã tạo ra những loài tảo biến đổi gene trực tiếp “nhả ra” dầu diesel mà không cần phải qua khâu chiết xuất.

Khác với quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học từ ngô chỉ cho ra chất “phụ gia” ethanol, qui trình sản xuất tại phòng thí nghiệm của Robertson cho ra loại dầu diesel tinh khiết không chứa chất lưu huỳnh độc hại. Phòng thí nghiệm này hiện đang sử dụng các “lò phản ứng công nghệ cao”, nơi khí thải CO2 sủi bọt được bơm vào các ống trồng tảo ghép thành tấm như những chiếc pin mặt trời khổng lồ. Theo ước tính, một nhà máy “sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo” có tính thương mại hấp thụ tới 10.000m3 CO2 mỗi ngày.

Khác với các loại cây có thể lấy dầu khác, tảo là loài thực vật không yêu cầu bất cứ một centimet đất trồng trọt nào. Nó có thể được trồng ở các thềm lục địa nông, hoặc trồng ngay trên sa mạc, trong các bồn chứa nước nhân tạo. Một lợi thế nữa của tảo là khả năng hút khí CO2 rất cao. Do vậy, trong tương lai đây không chỉ là giải pháp năng lượng mà song hành với nó còn là lời giải cho vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày một trầm trọng của Trái đất.