Tạo mọi điều kiện giúp đỡ người được đặc xá

ANTĐ - Đồng chí Giang Sơn – Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo công bố các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013 cho các phạm nhân diễn ra hôm qua, 29-8.

Tạo mọi điều kiện giúp đỡ người được đặc xá ảnh 1
Niềm vui đoàn tụ với gia đình
(Ảnh chụp tại Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội dịp đặc xá 30-4-2013)


Đồng chủ trì buổi họp báo với đồng chí Giang Sơn có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và đồng chí 

Tưởng Duy Lượng – Phó Chánh án TAND Tối cao. Buổi họp báo có sự tham dự của hơn 300 phóng viên, các hãng thông tấn trong nước và quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho 15.446 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; đặc xá cho 72 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 5 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện theo quy định được đặc xá. Trong số các phạm nhân được đặc xá, có 16 phạm nhân thuộc 6 nước, vùng lãnh thổ; 1.842 phạm nhân nữ.

Các phạm nhân được hưởng quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đã hoàn thành hình phạt bổ sung, nộp tiền án phí, khắc phục hậu quả... với tổng số tiền hơn 181 tỷ đồng, hơn 6.400 USD và gần 10.000 nhân dân tệ.

Đồng chí Giang Sơn nêu rõ: “Xuất phát từ bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình học tập, lao động, cải tạo tốt. Đặc xá năm 2013 một lần nữa thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội bị kết án tù đã thực sự cải tạo tiến bộ, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật”.

Quá trình xét, quyết định đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và cho những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật được thực hiện chặt chẽ, chính xác, công khai, công bằng, đảm bảo dân chủ. Việc đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù họ là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu họ đủ các điều kiện theo quy định đều được xét đặc xá.

Bày tỏ quan điểm, đặc xá không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù, đồng chí Giang Sơn nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của công tác “hậu đặc xá”, đó là việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. “Việc tiếp nhận những người được đặc xá nói riêng và những người tha tù nói chung về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của tất cả các cấp, các ngành, các gia đình có người được đặc xá, tha tù; cần giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có cơ hội làm ăn như những người bình thường khác”, đồng chí Giang Sơn đề nghị.

Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố, toàn bộ hệ thống trại giam, trại tạm giam trong cả nước bắt đầu tiến hành thực hiện quyết định này.