Khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Tạo đột phá cho Thủ đô

ANTĐ - Sáng qua, 3-12, kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã khai mạc. Trong bối cảnh kinh tế xã hội của Hà Nội cũng như cả nước gặp nhiều khó khăn, kỳ họp lần này HĐND TP sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. 

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế -  xã hội

trong bối cảnh khó khăn hiện tại

Nhiều khó khăn hơn so với dự báo

Năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều thách thức và khó khăn hơn so với dự báo ban đầu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, thể hiện qua việc triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá cùng 9 chương trình công tác của Thành ủy khóa XV, cộng thêm những nỗ lực của nhân dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, theo đánh giá thẩm tra của HĐND TP, vẫn còn đến 10/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà HĐND TP giao không hoàn thành, tập trung ở cả 3 nhóm: kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường. 

Báo cáo trước HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV ước tăng 8,6%, cả năm 2012 đạt 8,1%. Mức tăng trưởng này thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và mức tăng cùng kỳ của các năm trước. Về thu ngân sách, ước tính cả năm đạt 138.893 tỷ đồng, chỉ bằng 95% dự toán HĐND TP giao và 95,8% dự toán Chính phủ giao. 

Đặc biệt, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, trong năm 2012, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh giảm đáng kể. Ước cả năm 2012 có 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 83.000 tỷ đồng, bằng 90% về số doanh nghiệp và 70% về vốn đăng ký so với năm 2011. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động (tính đến hết tháng 9) lại tăng mạnh, vào khoảng 12.542 doanh nghiệp, bằng 11,4% số doanh nghiệp đang hoạt động. Mức độ khó khăn cũng được thể hiện qua tỷ lệ số doanh nghiệp có phát sinh thuế VAT ở mức rất thấp. Trong 9 tháng, chỉ có 17,5% tờ khai có phát sinh thuế VAT nộp ngân sách với số thuế phát sinh 14.341 tỷ đồng. 

Những kết quả đạt được rất đáng khích lệ

Tại buổi khai mạc, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh nêu rõ, năm 2012 chính là năm bản lề, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội kế hoạch 5 năm 2011-2015. Vì vậy, bên cạnh những thành quả đã đạt được, TP cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém đang tồn tại. Đặc biệt là các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động của doanh nghiệp và nhân dân như: tiếp cận vốn khó khăn, hoạt động sản xuất đình đốn, lạm thu trong các trường học, lao động thất nghiệp nhiều...

Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, “chúng ta có trách nhiệm phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để xảy ra những yếu kém, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Chỉ có như vậy mới tìm ra các giải pháp hữu hiệu, tích cực, quyết liệt, đồng bộ và đột phá trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện”. 

Theo đánh giá của HĐND TP, những kết quả đạt được trong năm 2012 của TP Hà Nội rất có ý nghĩa, đáng khích lệ, là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2013. Trong đó, TP sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ổn định chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Năm 2013, UBND TP dự tính, tốc độ tăng GDRP trên địa bàn đạt 8,0-8,5%, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển đạt 15,0-16,5%, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 9,0-10,0%, thu ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Trung ương giao... Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quỹ nhà tái định cư cho nhân dân trong khu vực bị giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho biết, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (khóa XIII) đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của HĐND. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, trong đó Hà Nội sẽ có 13 cơ chế chính sách đặc thù, giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định. Đây là những vấn đề rất quan trọng mà HĐND thành phố phải triển khai trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

Các Ban chuyên môn của HĐND TP Hà Nội đề xuất một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2013 để các đại biểu HĐND thảo luận, bổ sung, làm rõ và quyết định tại kỳ họp này. Cụ thể, gồm:

+ Bổ sung chỉ tiêu về GRDP bình quân đầu người.  

+ Tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 xác định là 5,2%, trong khi năm 2012 là 4,8% và năm 2011 là 4,5%. Làm rõ số lao động thất nghiệp trong năm 2013 và nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp. Chỉ tiêu giải quyết việc làm.

+ Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu năm 2013 giảm 1%, trong khi năm 2012 thực hiện giảm 1,5%.

+ Lý do loại bỏ chỉ tiêu phổ cập giáo dục bậc THPT. 

+ Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đề ra năm 2013 là 0,3%, trong khi năm 2012 ước thực hiện giảm 0,4%.

Cần chỉ rõ những nguyên nhân không đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội


Chiều 3-12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và những nội dung quan trọng khác. Đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, 6 nhóm giải pháp cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà UBND TP đề ra là phù hợp, song cần cụ thể, rõ ràng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế - HĐND TP (ĐB quận Hai Bà Trưng) cho biết, năm 2012, đã có 10/15 chỉ tiêu về kinh tế xã hội mà HĐND TP giao không hoàn thành. Cần phải chỉ rõ nguyên nhân vì sao không đạt được các chỉ tiêu này, cái nào do khách quan, cái nào do chủ quan để quy trách nhiệm cụ thể. Từ đó làm căn cứ, cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu cho năm 2013, chứ không phải cứ đề ra chỉ tiêu cho có, rồi thực hiện được hay không lại đổ hết do khách quan. 

Đồng quan điểm này, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy (ĐB quận Hai Bà Trưng) cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan cần phải chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, yếu kém trong điều hành, quản lý. Chỉ có phân tích sâu, toàn diện các nguyên nhân mới đưa ra được chỉ tiêu phù hợp cho năm 2013. Còn nếu các mục tiêu đưa ra không sát thì cuối cùng chỉ là đưa ra để hướng đến, phấn đấu chứ không phải để thực hiện.