Tạo động lực đột phá

ANTĐ - Bước sang năm 2014, trước nhu cầu bức thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành đã lên tiếng cảnh báo tốc độ cổ phần hóa ngày càng ì ạch trong những năm gần đây. Sau chặng đường hơn 20 năm, đến nay mới có khoảng 11.000 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Phát biểu tại diễn đàn “Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ nay đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa.

Nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn đã có kế hoạch cổ phần hóa (CPH) trước năm 2014, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp nêu nguyên nhân chậm trễ là vì khó tìm được đối tác, thị trường chứng khoán không thuận lợi. Không đồng tình với lý do này, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhận xét, hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư mong muốn được mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề là ở chỗ, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa muốn rời chỗ dựa vào nhà nước. Với thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, doanh nghiệp không muốn cũng vẫn phải CPH.

Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, song phải có lộ trình, không phải bán tràn lan gây thất thoát tài sản của nhà nước. Phải đặt doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh bình đẳng của thị trường. Quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng là trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Bố trí cán bộ không tốt thì không thể “tái” được gì hết. Trọng tâm là cổ phần hóa, nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”. Nội dung này cũng đã được nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ tỏ thái độ kiên quyết yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là CPH, kể cả các tập đoàn kinh tế, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán cổ phần vốn mà nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, quốc phòng an ninh. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương chỉ rõ, lực cản xuyên suốt quá trình CPH là vấn đề lợi ích nhóm. Các tập đoàn, tổng công ty lớn có vị thế và sức mạnh không chỉ trên thị trường mà còn trong các quan hệ xã hội, do đó vượt qua rào cản này không hề đơn giản. Một số chuyên gia cũng đồng tình quan điểm này khi cho rằng, nguyên nhân cốt yếu vẫn là con người với sự đan xen các mối quan hệ và lợi ích. Khi CPH không có lợi cho bản thân, lãnh đạo doanh nghiệp có thể trì hoãn hoặc chỉ làm nửa vời nhằm giữ được thế và lợi cho mình. Một số doanh nghiệp vẫn muốn “ở lại” với nhà nước để được hưởng lợi thế, ưu đãi và được cơ quan quản lý che chở.

Khẳng định của Thủ tướng với lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “không làm được sẽ thay thế” đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt sẽ tạo động lực đột phá CPH trong năm 2014. Tâm lý sợ trách nhiệm và sợ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vốn là lực cản làm chậm tiến trình này, chắc chắn sẽ không thể tồn tại.