Tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân

ANTD.VN - Năm 2018 là năm thứ ba Bộ Công an tổ chức xác định Chỉ số cải cách hành chính trong toàn lực lượng. Kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính trong những năm qua đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng trong lĩnh vực này.

Theo đó, giá trị trung bình trong công tác cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương năm 2018, ở mức cao (85,56%), tăng 3,54% so với năm 2017. Trong đó, 8 địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đạt kết quả xuất sắc; 55 đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt.

Hiện đại hóa nền hành chính

Thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính là biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để cải cách hành chính. Nhiều năm qua, Bộ Công an đã đầu tư, xây dựng, mở rộng mạng truyền dẫn quang băng thông lớn kết nối các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xây dựng nâng cấp theo hướng hiện đại, quy mô mở rộng đến cấp cơ sở trên toàn quốc.

Mạng máy tính diện rộng đa dịch vụ dùng riêng của ngành Công an (mạng WAN) đã được xây dựng với ba Trung tâm điều khiển tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời Công an các đơn vị, địa phương cũng đã được lắp mạng lan, kết nối thông suốt với mạng diện rộng của Bộ. Trong toàn lực lượng CAND đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 179 phần mềm, cơ sở dữ liệu đơn lẻ; trong đó, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai là 68 phần mềm, Công an các đơn vị, địa phương đang triển khai 111 phần mềm.

CATP Hà Nội vừa triển khai thêm một cơ sở cấp CCCD tại quận Hà Đông đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tiếp tục được Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, tại CATP Hà Nội, đã tiếp nhận tờ khai trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính, điển hình như thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông, thủ tục sửa đổi hộ chiếu phổ thông; tiếp nhận tờ khai điện tử với nhóm thủ tục đăng ký xe

Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng cho biết tại đơn vị đã tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 đối với các thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đối với người nước ngoài. Trong năm 2018, đã giải quyết cấp hơn 129.000 lượt thị thực điện tử cho người nước ngoài tại 46 quốc gia và lãnh thổ.

Để tạo thuận lợi cho khách du lịch, người nước ngoài đến du lịch và làm việc tại Việt Nam, Bộ Công an đã triển khai đồng bộ việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử tại 63 Công an tỉnh, thành phố. Trong năm 2018 đã tiếp nhận hơn 23,6 triệu lượt khai báo tạm trú của người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử.

Trả kết quả qua dịch vụ công ích

“Chỉ thêm có 20.000 đồng, bằng một bát bún ở chợ, tôi đã được nhận CCCD gửi đến tận nhà. Thế là tôi chỉ phải 1 lần đi làm thủ tục cấp CCCD mà không cần phải có thêm lần thứ 2 đến nhận kết quả. Hoan nghênh sự phối hợp của lực lượng CAND với bưu điện để tạo thuận lợi cho người dân” - bà Bùi Thị Loan, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ.

Có được kết quả này là do CATP Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trong CAND. Công an Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết 14 thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tiếp tục tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tiễn công tác đề xuất bổ sung hoặc loại bỏ danh mục các thủ tục hành chính có thể thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, hiện đang nghiên cứu để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định.

Đối với công tác xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lương theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong lực lượng Công an nhân dân Giai đoạn 2013 -2018 thời gian qua đã đảm bảo tuân thủ các quy định, yêu cầu đặt ra. Về cơ bản, Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, các tài liệu được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật và các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, áp dụng có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.

Đại đa số người dân đều hài lòng khi đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp dân của lực lượng CAND

Theo thống kê, có 2.152 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an thực hiện tại Công an các đơn vị, địa phương đã được áp dụng và công bố phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Rất hài lòng với liên thông một cửa

Đó là đánh giá chung của đại đa số người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại các bộ phận tiếp dân của lực lượng CAND. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an và yêu cầu của Ủy ban nhân dân.

Trực tiếp kiểm tra các trụ sở tiếp công dân tại công an các đơn vị địa phương, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp đánh giá, các đơn vị đã tổ chức niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính mà đơn vị, địa phương có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho các đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính cũng được quan tâm lựa chọn, đảm bảo am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ và được bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong tiếp xúc, làm việc với tổ chức và công dân. CATP Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức về thái độ ứng xử, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và nhận được những phản hồi rất tích cực, đa số được đánh giá ở mức độ “Hài lòng” và “Rất hài lòng”.

Một số Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động đầu tư, xây dựng, nâng cấp và đưa vào hoạt động trung tâm tiếp công dân. Mới đây, tại điểm cấp CCCD thứ 2 của CATP Hà Nội đặt tại quận Hà Đông, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin, phát tích kê xếp hàng gọi số theo bảng điện tử hoặc tiếp nhận, nhập hồ sơ theo dõi bằng máy tính và in phiếu hẹn, đảm bảo tất cả các hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân được tiếp nhận, trả kết quả theo đúng quy định.

Thực hiện phương châm “Vì nhân dân phục vụ”, một số địa phương đã yêu cầu phải gửi thư xin lỗi và thông báo trước cho tổ chức, công dân biết trong trường hợp trễ hẹn giải quyết thủ tục hành chính. CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội còn thành lập đường dây nóng để người dân có thể gọi điện hỏi về kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Có thể nói, trong năm 2018, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đối với việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một trong những điểm nhấn quan trọng, giải pháp hiệu quả cho các nội dung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Một số Công an đơn vị, địa phương đã tổ chức thí điểm thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ từ tuất tại trung tâm hành chính công.

Những kết quả đạt được trong thực hiện liên thông các thủ tục hành chính này ở Công an các địa phương là cơ sở quan trọng để qua đó, Văn phòng Chính phủ tổng kết và xây dựng Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.