Tạo điều kiện để những người làm báo tiếp tục công tác, cống hiến

ANTĐ - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015, diễn ra chiều 1-10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại diện một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm như: bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam ở tuổi 30, dừng thu phí đường bộ với xe máy và đề án quy hoạch báo chí…
Tạo điều kiện để những người làm báo tiếp tục công tác, cống hiến ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên

* Dừng thu phí đường bộ đối với xe máy: Phù hợp hơn với nguyện vọng người dân

- PV: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30-9, Chính phủ đã nhất trí tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện với môtô, xe máy từ ngày 1-1-2016. Tại sao quy định này mới triển khai được gần 3 năm đã quyết định dừng lại và việc dừng thu sẽ gây tác động ra sao?

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Việc Bộ GTVT đề xuất Chính phủ dừng việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy là căn cứ trên đề xuất của các tỉnh, thành phố cũng như xét điều kiện cụ thể trong quá trình triển khai chính sách này thời gian qua. 

Nghị định 18/2012/NĐ-CP năm 2012 của Chính phủ giao việc thu phí đường bộ với xe máy cho các địa phương tổ chức thực hiện và toàn bộ số kinh phí thu được sẽ cho phép địa phương giữ lại để phục vụ công tác này. Lúc đó, Bộ GTVT tính toán cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, với mức thu 70.000 đồng/xe thì mỗi năm sẽ thu được 2.800 tỷ đồng tiền bảo trì đường bộ, sẽ có tác dụng lớn để duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, số tiền thu được giảm dần mà nguyên nhân chính là do chưa có chế tài xử lý những người không nộp phí bảo trì đường bộ với xe máy. 

Hơn nữa, do tình hình kinh tế - xã hội cũng như cách thức thực hiện của các địa phương khác nhau dẫn đến việc thu phí đường bộ với xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các thành phố khó quản hết đầu xe máy bị thu phí thì nhiều tỉnh ở vùng sâu vùng, vùng xa khoản phí thu được không đủ chi cho công tác tổ chức thu… Do vậy, chúng tôi kiến nghị dừng thu, tinh thần là sẽ dừng thu hẳn loại phí này để nghiên cứu, thay bằng các khoản thu khác phù hợp hơn với nguyện vọng người dân.

- PV: Vừa qua, tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ở tuổi 30 được dư luận rất quan tâm, xen lẫn cả hoài nghi. Chính phủ có ý kiến gì về vấn đề này?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Bộ Nội vụ đã nắm được thông tin về việc này và đã thành lập đoàn công tác vào địa phương kiểm tra thực tế để xác định rõ việc bổ nhiệm có đúng với quy định của Đảng, Nhà nước hay không. 

Cần lưu ý là bên cạnh quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn đối với các chức danh thì các địa phương căn cứ đặc điểm riêng có thể bổ sung một số quy định phù hợp nhưng không được trái quy định của Trung ương. Đối với tất cả các chức danh, những người được đưa ra xem xét phải đảm bảo đủ quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí không phân biệt chính, phụ. Sau khi đoàn công tác kiểm tra việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Quảng Nam hoàn tất công việc, Bộ Nội vụ sẽ có thông báo chi tiết và đưa ra kết luận công khai, minh bạch.

Tạo điều kiện để những người làm báo tiếp tục công tác, cống hiến ảnh 2

Nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, tuyên truyền, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc

- PV: Vấn đề quy hoạch báo chí những ngày qua được các cơ quan báo chí và dư luận rất quan tâm. Làm thế nào để các cơ quan báo chí được phản ánh trực tiếp nguyện vọng của mình vào đề án này?

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều, rất rõ quan điểm về Đề án quy hoạch báo chí. Để chuẩn bị cho quy hoạch báo chí, Chính phủ đã trực tiếp giao Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục triển khai, lắng nghe đề xuất và kiến nghị trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình theo chỉ đạo. Những điều phải nói Thủ tướng đã nói, Đảng đã có kết luận, làm gì thì làm cũng không để ảnh hưởng đến những người làm báo.

Còn cụ thể thế nào, sắp xếp lại báo chí ra sao thì làm từng bước. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đang tổ chức các đoàn công tác đi các địa phương để nghe ý kiến đóng góp, tổng hợp, sau đó bàn kỹ rồi mới thực hiện. Thời điểm này các cơ quan báo chí cũng có thể góp ý với Bộ Thông tin - Truyền thông để tham mưu, góp ý cho Chính phủ trước khi ký quy hoạch. Quan điểm là Nhà nước và báo chí sẽ đồng hành, sao cho sau khi sắp xếp các cơ quan báo chí sẽ hoạt động tốt hơn, đồng thời cũng phải tạo sự ổn định, tạo điều kiện cho những người làm báo tiếp tục công tác, cống hiến.