Tạo đất sống cho nông sản an toàn

ANTĐ - Sau 5 năm thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP), điều đáng buồn là việc triển khai vào thực  tế quá ì ạch, trong khi nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng đang rất cấp thiết.

Nông sản an toàn chưa có “đất sống”

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận, VietGAP giống như một “tấm chứng chỉ” quan trọng để nông sản bước ra thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng và rất thuận lợi cho xuất khẩu. Hiện nay, bất kỳ nông sản nào của Việt Nam muốn ra thế giới đều phải có chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo quy chuẩn chung hoặc riêng. Nhưng việc triển khai sản xuất theo VietGAP vẫn ì ạch, lý giải về việc này ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, nguyên nhân vì quy trình dài và phức tạp, chi phí lớn hơn so với sản xuất thông thường. Giá thành cao, chi phí lớn chính là nguyên nhân cơ bản buộc người nông dân thờ ơ với VietGAP.

Theo phân tích, nông sản đủ tiêu chuẩn VietGAP phải đầu tư chi phí cao nhưng vẫn phải bán ra với giá rẻ trên thị trường, không cạnh tranh nổi với nông sản sản xuất theo quy trình thông thường. Thêm một nguyên nhân nữa là niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản an toàn chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, trên khắp cả nước đều xảy ra tình trạng, các địa chỉ kinh doanh nông sản an toàn “chết yểu” sau một thời gian ngắn tồn tại. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản an toàn ngày càng bị “tổn thương” khi mà bản thân các tổ chức được giao trách nhiệm chứng nhận cho nông sản an toàn cũng lập lờ. Bằng chứng là khi rà soát 27 tổ chức công nhận VietGAP, Cục Trồng trọt đã phải loại hơn một nửa, đến nay chỉ còn 13 đơn vị đủ điều kiện tiếp tục hoạt động và 6 đơn vị đang trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại.

Theo bà Nguyễn Thị Tân Lộc, chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, để tạo đất sống cho nông sản an toàn phải tạo niềm tin nơi người tiêu dùng về chất lượng của VietGAP và cùng với đó là giảm dần chi phí sản xuất cho người nông dân. “Một khi sản xuất VietGAP vẫn còn ì ạch như hiện nay thì nông sản Việt càng khó chiếm vị trí trong xuất khẩu. Đây cũng là lý do những năm gần đây, nông sản của chúng ta liên tục bị trả lại khi xuất khẩu và nông sản nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường dù trong nước dư thừa”. 

Không để sản xuất nông sản an toàn “chết yểu”, đây còn là yêu cầu về lợi ích người tiêu dùng trong nước, vừa để nâng cao sức mạnh cạnh tranh lâu dài cho nông sản Việt  trên trường quốc tế.