Tạo đà vững chắc bước vào năm 2016

ANTĐ - Bộ máy một số nơi vẫn phình to, số đoàn đi thăm nước ngoài còn nhiều, nhận thức của người dân về Cộng đồng chung ASEAN hạn chế… Đó là những vấn đề “nóng” được đề cập tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29-12. 

Tạo đà vững chắc bước vào năm 2016 ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương

11 tỉnh, thành phố “phình” biên chế 

Đề cập đến câu chuyện tinh giản biên chế khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện có 11 tỉnh/ thành phố sử dụng biên chế vượt mức Chính phủ giao. Dù không nêu cụ thể là địa phương nào nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lưu ý: “Đề nghị tỉnh nào vượt biên chế phải nhanh chóng tự điều chỉnh để đảm bảo ổn định, kỷ cương về biên chế”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cụ thể hóa chỉ tiêu đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm, từ đó cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, 7 cơ quan chưa hoàn thành đề án xây dựng vị trí việc làm cần sớm hoàn thành để Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt và thực hiện trong năm 2016. 

Về biên chế viên chức nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo Luật Viên chức, các vị Bộ trưởng phải phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất để tham mưu với Chính phủ giao biên chế sự nghiệp; còn ở địa phương, UBND tỉnh phải thống nhất, trình Bộ Nội vụ thẩm định. “Đến nay, chỉ có 27 tỉnh, thành phố có trao đổi với Bộ Nội vụ, còn lại các địa phương không làm đúng Luật Viên chức… Tinh giản biên chế sự nghiệp rất khó, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo tập trung và triển khai quyết liệt” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Chi tiêu ngân sách cần triệt để tiết kiệm

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường EU, Nhật, Hoa Kỳ, vì vậy, sẽ khó tận dụng được thuận lợi của Cộng đồng ASEAN. Trên thực tế, nhận thức của doanh nghiệp và người dân Việt Nam về Cộng đồng ASEAN hiện còn rất hạn chế. Theo khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, có tới 60-80% doanh nghiệp chưa hiểu biết về Cộng đồng ASEAN. Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong năm 2015, số lượng đoàn đi thăm nước ngoài đã giảm 10% so với năm 2014, còn 2.105 đoàn. Tuy nhiên, nhiều đoàn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm mà chưa có chương trình hợp tác cụ thể, hiệu quả chưa cao.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, năm 2016, điều hành kinh tế vĩ mô sẽ khó khăn hơn năm 2015, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vì vậy, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ ngân sách, chi tiêu triệt để tiết kiệm và có phương án cơ cấu lại thu chi ngân sách, quản lý nợ công, tín dụng bất động sản… 

Tăng trưởng cả về lượng và chất

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2016 cao hơn năm 2015, cả về lượng và chất. Dù năm 2015, nền kinh tế nước ta chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo tiền đề, điều kiện để đất nước ta bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2016 cũng như Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn, song chúng ta không được chủ quan, tự mãn vì khó khăn, hạn chế còn rất nhiều. 

Thủ tướng nêu rõ, năm 2016, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới diễn biến rất khó lường, cộng thêm tình hình phức tạp tại Biển Đông nên tinh thần chung là Chính phủ, chính quyền các cấp phải nỗ lực, ra sức phát huy những kết quả đã đạt được; hạn chế, khắc phục các khó khăn thách thức; biến thách thức thành thuận lợi. Trên cơ sở nắm chắc, phân tích và dự báo đúng tình hình, phải đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. 

Về các nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trước hết, cần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, phải tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, giảm nghèo… “Tất cả cũng vì đời sống của người dân. Đó là mục tiêu phấn đấu cao nhất. Điểm quan trọng nữa là cần phải phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giải quyết kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng của dân, doanh nghiệp” – Thủ tướng chỉ đạo.

Nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, thời gian vừa qua, có tình trạng ngư dân Việt Nam bị bắt khi xâm phạm vùng biển nước bạn, gây tình hình phức tạp. Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, các địa phương phải tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho ngư dân về chủ quyền biển đảo, để vừa bảo vệ chủ quyền của ta vừa không xâm phạm chủ quyền các nước.