Tạo “cánh cửa mở” cho các nhà đầu tư

ANTĐ - Ngày 23-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Góp ý vào dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) kiến nghị, Luật cần làm rõ hơn về cơ chế ưu đãi đầu tư, đồng thời rà soát các văn bản luật liên quan (đặc biệt là các luật thuế, đất đai...) để tạo sự nhất quán, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Mặc dù, dự thảo có quy định đề xuất mở rộng, khuyến khích đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, y tế... song, quy định về ưu đãi vẫn còn khá chung và chưa rõ ràng, thiếu thống nhất với các luật khác. Vì thế, cần làm rõ các cơ chế ưu đãi theo các mức ưu tiên khác nhau để tạo sự thống nhất, minh bạch trong đầu tư. Đồng thời, cần xác định các ngành nghề hạn chế đầu tư để tránh ảnh hưởng tới thị trường trong nước cũng như lợi ích quốc gia. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đưa ra những điều khoản cấm sử dụng các nguồn vốn có nguồn gốc không hợp pháp, các hoạt động đầu tư nước ngoài như tỷ lệ nội địa hóa thấp, tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô lớn, sử dụng nhân công giá rẻ và nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Quan tâm đến các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung vào danh mục được ưu đãi các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, quy mô lớn, khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực các dự án đầu tư ra nước ngoài để khai thác nhiên liệu ở nước ngoài, đảm bảo an ninh năng lượng. 

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, một số đại biểu cho rằng cần đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường bình đẳng cho khối này, phù hợp với tiến trình hội nhập, đồng thời bổ sung một quyền quan trọng của nhà đầu tư. Về đơn giản hóa thủ tục chứng nhận đăng ký đầu tư, nên bỏ quy định thông báo đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư, ngoại trừ các dự án bắt buộc phải đăng ký cấp giấy chứng nhận theo quy định. Đồng thời, tăng cường “hậu kiểm”, không để phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của tòa án trong thi hành các bản án, góp phần giải quyết khiếu nại  tố cáo của người dân. Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, khó khăn vướng mắc trong thi hành án dân sự hiện nay không phải là cơ quan nào ra quyết định thi hành án, mà là công tác thi hành án. Ngoài ra, một bản án có thi hành được hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không phải phụ thuộc vào cơ quan đưa bản án ra thi hành.

Một số đại biểu băn khoăn, nếu tòa án phải ra quyết định thi hành án, liệu có ảnh hưởng đến tính khách quan khi ra phán quyết vì tâm lý “phán quyết tạo thuận lợi cho mình”. ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là cơ quan thi hành án sẽ thi hành các bản án dân sự, không quy định tòa án ra quyết định thi hành án, dẫn đến sự lòng vòng, đi ngược. Trong khi đó, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) lại đồng ý với quy định tòa án ra quyết định thi hành án, trên cơ sở đó, cơ quan thi hành án sẽ thực thi, điều này phù hợp với chức năng của tòa án.

Nêu thực tế có những bản án đã tuyên nhiều năm nhưng chưa được thi hành, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sửa luật phải khắc phục được hạn chế này. ĐB Trương Trọng Nghĩa tán thành tòa án là cơ quan ra quyết định thi hành án để bảo đảm tính pháp lý cao nhất.