Tăng viện phí theo lý bệnh viện

(ANTĐ) - Ngày 31-5, tại hội nghị đánh giá kết quả ngành y tế Thủ đô 5 tháng đầu năm, vấn đề nên hay không nên điều chỉnh viện phí một lần nữa được rất nhiều đại biểu là lãnh đạo các BV trên địa bàn Hà Nội quan tâm đóng góp ý kiến.

Tăng viện phí theo lý bệnh viện

(ANTĐ) - Ngày 31-5, tại hội nghị đánh giá kết quả ngành y tế Thủ đô 5 tháng đầu năm, vấn đề nên hay không nên điều chỉnh viện phí một lần nữa được rất nhiều đại biểu là lãnh đạo các BV trên địa bàn Hà Nội quan tâm đóng góp ý kiến.

Vì sao phải tăng?

Viện phí là vấn đề quan tâm của cả bệnh viện và bệnh nhân

Viện phí là vấn đề quan tâm của cả bệnh viện và bệnh nhân

Theo dự thảo đề án điều chỉnh viện phí mới nhất của Bộ Y tế, sẽ có 12% tổng số dịch vụ y tế hiện hành được điều chỉnh. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ trên tổng số hơn 3.000 dịch vụ trong danh mục dịch vụ y tế hiện nay, số dịch vụ còn lại vẫn được thu theo giá cũ được quy định tại Thông tư 03. Những dịch vụ dự tính sẽ được điều chỉnh trong đề án tăng viện phí lần này sẽ là giá khám - chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh và giá các dịch vụ kỹ thuật… Trong số này, có 220 dịch vụ, kỹ thuật dự định sẽ tăng 2-2,5 lần là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học dân tộc, châm cứu... khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần.

Ông Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết để thúc đẩy và khuyến khích sự phát triển của các BV. Hiện tại, có một thực trạng rất phổ biến là hầu hết lượng bệnh nhân vẫn đổ về các BV công lập, họ sẵn sàng xếp hàng chờ đợi cả buổi đến lượt khám chứ nhất quyết không sang các BV tư. Ngoài yếu tố về thương hiệu và chuyên môn thì nguyên nhân chính là do giá viện phí ở các BV công lập áp dụng theo quy định của Nhà nước hiện quá thấp so với giá viện phí tại các BV ngoài công lập. Chẳng hạn, giá khám bệnh tại BV Thanh Nhàn hiện là 3.000đ/ 1 lần khám (BV hạng 1), trong khi giá khám bệnh tại BV ngoài công lập trung bình cũng 30.000đ-50.000đ/ 1 lần khám. Từ đó, BV công lập luôn quá tải nặng nề, trong khi các BV ngoài công lập vẫn vắng bệnh nhân.

Lý do thứ 2 là muốn giảm quá tải BV tuyến trên thì phải đầu tư phát triển mạnh y tế cơ sở, thế nhưng với mức thu viện phí như hiện nay thì rất khó thực hiện được điều này. Ông Chính phân tích, hiện trong các BV công lập, giá viện phí được áp dụng với mức thu khác nhau theo từng tuyến. Nếu đầu tư mạnh cho y tế các tuyến dưới, thậm chí BV tuyến dưới có trình độ gần như tương đương với BV tuyến trên song vẫn bắt họ thu viện phí thấp hơn thì rõ ràng khó tạo động lực thúc đẩy đầu tư phát triển ở các tuyến này được… Tương tự, lãnh đạo BV Đa khoa Thạch Thất, BV Tâm thần Hà Nội… cũng đề nghị được tăng viện phí để duy trì hoạt động của đơn vị, vì mức thu viện phí hiện nay quá thấp, không phù hợp với thực tiễn.

Đưa ra rồi lại… rút về

Tăng viện phí cần đi đôi với tăng chất lượng khám chữa bệnh
Tăng viện phí cần đi đôi với tăng chất lượng khám chữa bệnh

Như đã nói, Bộ Y tế cho rằng việc điều chỉnh khung giá viện phí lần này vẫn theo nguyên tắc thu một phần viện phí. Các khoản đã được ngân sách Nhà nước chi trả như khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì không tính và thu viện phí. Bộ Y tế cũng khẳng định không phải thông tư ban hành là giá viện phí đã thu ngay theo mức tăng tối đa. Đây chỉ là khung giá, có tối đa, tối thiểu và tùy theo tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các BV thuộc Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các BV thuộc địa phương trong phạm vi khung giá. Như vậy, nhiều BV sẽ chỉ được thu ở mức trung bình của khung.

Việc tăng viện phí là cần thiết song cũng rất cần có sự đồng thuận từ nhiều phía, đặc biệt là phía người dân, bệnh nhân. Kể từ giữa năm 2010 đến nay, Bộ Y tế đã nhiều lần đưa ra dự thảo về đề án tăng viện phí song cứ đưa ra rồi lại… rút về và chưa biết bao giờ thì đề án điều chỉnh viện phí sẽ được thực hiện. Trên thực tế, các bản dự thảo tăng viện phí trước đây của Bộ Y tế đều không nhận được sự đồng tình của dư luận và nhân dân, bởi những lo ngại về việc điều chỉnh viện phí sẽ ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Vướng mắc khác là không ít người cho rằng mức viện phí hiện nay chưa được điều chỉnh song đa phần các BV đã tự ý điều chỉnh tăng từ nhiều năm nay. Viện phí tại các BV hiện nay đều thu cao hơn từ 10-20 lần so với khung viện phí được quy định, nếu tăng nữa thì không biết sẽ đến đâu, chất lượng đáp ứng dịch vụ có phù hợp không?

Nhiều BV không tuyển được bác sĩ

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của ngành y tế Hà Nội 5 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 7 tháng cuối năm. Theo đó, lãnh đạo nhiều BV chuyên ngành của thành phố như BV 09, BV Tâm thần Hà Nội, BV Mắt Hà Đông, Trung tâm Pháp y Hà Nội, Trung tâm Lao & Bệnh phổi Hà Đông… cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thầy thuốc, lý do là mức hỗ trợ cho cán bộ y tế ở các đơn vị đặc thù này quá thấp khiến không thu hút được bác sĩ về làm việc. Ông Lý Trần Tình, Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội cho biết, là BV chuyên khoa tâm thần đầu ngành của thành phố song suốt 5 năm qua BV không tuyển được bác sĩ nào vào làm việc, bởi mức lương trung bình của 1 bác sĩ tại BV này chỉ là 3 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị BV công lập đều cho rằng, cơ sở vật chất hiện đã quá xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, hiện tượng quá tải, nằm ghép vẫn cao nên bệnh nhân chưa hài lòng…

Nguyễn Phan