Tăng tuổi hưu của người lao động: Tranh luận chưa ngừng

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó sẽ cân nhắc tăng tuổi hưu. Đây là một vấn đề không mới nhưng đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Theo một số chuyên gia lao động, việc tăng tuổi hưu cần lựa chọn thời điểm phù hợp và phải có những nghiên cứu khoa học thực tiễn để đưa ra kết luận.

Việc tăng tuổi hưu không thể áp dụng cho những công việc nặng nhọc, độc hại

Nên hay không?

Tại hội thảo Tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ xem xét đưa nội dung tăng tuổi hưu vào Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 để trình Quốc hội trong thời gian tới. Lý giải cho đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực tế tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh nhất thế giới.

Trong khi đó, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động giảm do chính sách giảm sinh. Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi lên người lao động - tỷ số giữa số người từ 65 tuổi trở lên so với 100 người trong độ tuổi từ 15- 64 tuổi sẽ tăng lên xấp xỉ 22 (hiện nay là 10).

Bên cạnh đó, khi tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam ngày càng tăng lên, khiến Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đứng trước nguy cơ mất cân đối, do thời gian chi trả lương hưu kéo dài. Do đó, nếu không cân nhắc tới việc tăng tuổi hưu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Trước những phân tích trên, có ý kiến cho rằng đề xuất tăng tuổi hưu là cần thiết.

Trái lại, một số chuyên gia lưu ý, năm 2014, dự thảo Luật BHXH cũng tính đến việc tăng tuổi hưu (nữ tăng lên 58 tuổi, nam tăng lên 62 tuổi). Tuy nhiên khi Quốc hội thông qua Luật BHXH vẫn giữ nguyên quy định về tuổi hưu: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi; và Luật BHXH sửa đổi vừa mới có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Thực tế, vấn đề nâng tuổi hưu đã được đề xuất nhiều lần nhưng không được thông qua do vấp phải phản ứng của xã hội, đặc biệt là khu vực lao động trực tiếp, đa số ý kiến không đồng tình. Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc tăng tuổi hưu ở thời điểm này là chưa hợp lý. Đề xuất nâng tuổi hưu ngoài căn cứ về mặt dân số còn phải tính toán đến tính chất đặc thù của từng ngành nghề, cần có những nghiên cứu, khảo sát ý kiến từ chính người lao động trong những công việc cụ thể.

Chia nhóm đối tượng

Hiện có nhiều đề xuất trong việc tăng tuổi nghỉ hưu. Thứ nhất nam và nữ về hưu bằng tuổi nhau, tức là đều về hưu lúc 60 tuổi. Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam giới và nữ giới, tức là nâng tuổi hưu lên 62 ở nam giới và 60 ở nữ giới. Đề xuất điều chỉnh tuổi hưu ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: “Đối với những công nhân trong ngành dệt may như chúng tôi, 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức, việc tận dụng sức lao động, kéo dài tuổi hưu là không thể. 45 tuổi mắt đã mờ, chân tay run, không thể làm công việc máy chính mà phải chuyển sang làm thợ phụ để đợi tuổi nghỉ hưu rồi”.

Theo Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, việc tính toán nâng tuổi hưu cần chia người lao động thành 2 nhóm: lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Đối với nhóm lao động trực tiếp không nên đặt ra việc nâng tuổi nghỉ hưu.

Thậm chí, những người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù như: công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non… thường lựa chọn nghỉ hưu sớm. Theo số liệu khảo sát thực tế, tuổi nghỉ hưu trung bình của nhóm lao động trực tiếp chỉ đạt 52,6 tuổi đối với lao động nữ, 55,6 tuổi đối với lao động nam, thấp hơn mức tuổi pháp luật quy định. 

Việc nâng tuổi hưu có căn cứ hơn khi xem xét với nhóm lao động gián tiếp, công chức viên chức hoặc người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp. Ông Lê Đình Quảng phân tích, xuất phát từ thực tế, do tính chất công việc, điều kiện cuộc sống nên người lao động ở độ tuổi 55-60 thuộc nhóm này vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và chất xám đóng góp cho xã hội.

Ví dụ: Đối với nữ bác sĩ, quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm kéo dài nhiều năm. Khi vừa đạt tới độ “chín” của nghề nghiệp và vẫn có sức khỏe đảm bảo công việc thì họ buộc phải về hưu vì hết tuổi lao động, đó chính là lãng phí chất xám.

Cần một lộ trình có cơ sở khoa học

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng năng lực, trình độ chuyên môn của nhóm lao động lớn tuổi là điều có thể thực hiện nhưng phải tính toán đến hai yếu tố: ngành nghề và sức ép việc làm đối với lao động trẻ. Bên cạnh đó, phải tiến hành các nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam. Việc nhiều nước trên thế giới đã tăng tuổi hưu có thể xem là kinh nghiệm, mang tính chất tham khảo chứ không thể áp dụng trực tiếp cho Việt Nam.

Ông Lê Đình Quảng chia sẻ, với quan điểm có thể xem xét nâng tuổi hưu của nhóm lao động gián tiếp, cần xây dựng một lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo sự ổn định trong quỹ lương, sức chịu đựng của doanh nghiệp và tâm lý của người lao động.

Để tránh dư luận xã hội về việc tăng tuổi hưu sẽ tạo ra tâm lý “tham quyền cố vị”, “giữ ghế”, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ cần phải có một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến. Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo sự linh hoạt, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng, hạn chế độ tuổi nhất định cho từng công việc, đặc biệt là khu vực hành chính sự nghiệp. 

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng lên. Điều này tạo ra nhiều áp lực với quỹ hưu trí trong tương lai gần, đòi hỏi phải có những thay đổi về tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam và lộ trình này có thể kéo dài 15-20 năm. Tới đây, việc tăng tuổi hưu cần phải tính tới cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nữ giới có tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm, tuy nhiên theo điều tra khảo sát, có tới hơn 40% phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đứng đầu thế giới là một thực tế. Nhiều chuyên gia lao động nước ngoài cho rằng, việc tăng tuổi hưu là điều cần cân nhắc. Theo kinh nghiệm của các nước, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tiến hành từng bước, thậm chí tăng 1 tuổi cần lộ trình kéo dài tới 5 năm.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao có cơ hội làm việc và cống hiến. Do đó, tới thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang nghiên cứu, tính toán các phương án mà chưa định hình sẽ tăng theo hướng nào.