Tăng trưởng tín dụng chậm lại có phải dấu hiệu đáng lo

ANTD.VN - Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra, điều này dẫn đến lo ngại doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn trong những tháng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng bị “hãm phanh”

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2018; tăng trưởng tín dụng đạt 8,64% so với cuối năm 2018.

Đây là con số khá thấp so với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước định hướng cho năm 2019 (tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%) và cũng cũng thấp hơn khá nhiều so với 9 tháng đầu năm ngoái (9,52%).

Theo điều tra về xu hướng kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng năm nay cũng giảm khá mạnh so với scacs cuộc điều tra trước đó. Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019.

Trong cuộc điều tra hồi đầu năm, các tổ chức tín dụng đã kỳ vọng tốc độ tăng trưởng dư nợ trong năm 2019 là 15,27%, sau đó giảm xuống 14,33% trong cuộc điều tra tiếp theo. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng cũng đã nhận thấy hoạt động cho vay khách hàng đang có xu hướng thắt chặt hơn so với trước đó.

Điều này có vẻ mâu thuẫn với hoạt động cho vay ở một số ngân hàng khi những tháng đầu năm, hàng loạt ngân hàng đã “chạm trần” room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận  tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho nhiều ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II. Có thể kể đến ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MBBank từ 13% lên 17%...

Tăng trưởng tín dụng chững lại trong quý III-2019

Tuy nhiên, trên thực tế, những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh và được “nới room” chủ yếu là những ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung, vì vậy không thể  “kéo bật” được tín dụng toàn ngành.

Trong khi đó, 2 ông lớn BIDV, VietinBank là 2 ngân hàng chiếm tới gần 25% thị phần cho vay, tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp, thậm chí “room” tín dụng của VietinBank trong cả năm chỉ khoảng 6-7%.

Không đáng lo

Việc giảm cung tiền của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế khiến nhiều người lo ngại, nhất là khi nhiều doanh nghiệp kêu ca vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế đây không hẳn là tín hiệu đáng lo, bởi theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu "hãm phanh" tăng trưởng tín dụng là do các ngân hàng đang “thắt chặt” tín dụng với các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là bất động sản, dẫn đến giảm cung tiền trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang có kế hoạch tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cũng như bổ sung quy định khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của ngân hàng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.

Một nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm lại, có thể đến từ việc từ đầu năm tới, các ngân hàng sẽ phải áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mới theo Thông tư 41, các ngân hàng sẽ phải cân đo đong đếm và nhìn lại nguồn lực vốn hiện nay của mình để “liệu cơm gắp mắm”.

Tuy nhiên, một điểm tích cực là dù tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng GDP 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức cao nhất trong 9 năm qua. Điều này cho thấy nền kinh tế đã ngày càng bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng hơn mà đã có sự tham gia tích cực của các kênh khác như thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp.