- Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong xây dựng môi trường quốc tế hòa bình
- Vinh dự và trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Hoạt động sản xuất được hỗ trợ nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả |
Theo bài viết, so với các nước khác, các chỉ số tài chính công của Việt Nam được cải thiện rõ rệt kể từ khi đại Covid-19 bùng phát. Tháng 12-2019, trước khi quyết định điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “triển vọng” lên “ổn định” vào tháng 4-2020 trong bối cảnh bất ổn bắt nguồn từ đại dịch, Fitch đã dự đoán nợ công/GDP của chính phủ của Việt Nam ở mức 40,3% GDP vào năm 2021, so với mức trung bình 41,7% cho các hồ sơ quốc gia xếp hạng BB và 43,8% cho các hồ sơ xếp hạng BBB. Hiện Fitch kỳ vọng nợ công/GDP của Việt Nam sẽ ở mức trung bình khoảng 39% trong giai đoạn 2021-2022, song các dự báo trung bình tương đương đã tăng lên khoảng 60% và 58% đối với các quốc gia xếp hạng BB và BBB.
Tác giả bài viết nhận định vị thế tài chính được cải thiện phản ánh sức mạnh kinh tế lớn hơn của Việt Nam. Thu nhập từ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, song các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn vững chắc. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng dương vào năm 2020, là 2,9%. Tăng trưởng được thúc đẩy nhờ nhu cầu bên ngoài, với xuất khẩu hàng hóa tăng 6,9%. Hoạt động trong nước cũng được hỗ trợ nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả.
Fitch kỳ vọng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư. Gói tài chính hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch trị giá khoảng 292.000 tỷ đồng (khoảng 3,6% GDP năm 2020) sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng. Trong quý 1-2021, xuất khẩu hàng hóa tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ tăng trưởng GDP thực tế trong quý là 4,5% so với cùng kỳ.
Bài viết nhận định Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại, các hiệp định thương mại mới như Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và khả năng cạnh tranh về chi phí. Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng và FDI tăng nhanh sẽ thúc đẩy tính bền vững của tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.
Fitch chỉ ra rằng tăng trưởng cao bền vững giúp giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực, trong khi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô có thể gây sức ép đối với xếp hạng quốc gia. Áp lực tăng cũng có thể xuất phát từ việc củng cố tài chính bền vững, giảm các khoản nợ tiềm tàng của nhà nước, hoặc những cải thiện về vốn hóa, minh bạch và quy định của khu vực ngân hàng.