Tăng trưởng có “liều lượng”

ANTĐ - Không chỉ các chuyên gia kinh tế, giới nghiên cứu mà ngay cả một số nhà hoạch định kinh tế vĩ mô cũng tỏ ra sốt ruột về sự trì trệ của nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc tạm gác lại nỗi lo lạm phát sang một bên để ưu tiên cho tăng trưởng. Song vẫn phải rất cẩn trọng để xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cùng một lúc cả hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng vì nền kinh tế nước ta vẫn ẩn chứa không ít yếu tố bất ổn.

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. Trong khi đó, lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2013 dự báo lạm phát khoảng hơn 5% nếu không có những thay đổi về chính sách vĩ mô cũng như giá cả các mặt hàng cơ bản. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã đưa ra khuyến nghị rằng, do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2013 có khả năng đạt được, nên trong những tháng cuối năm, chính sách kinh tế vĩ mô cần ưu tiên mục tiêu tăng trưởng. Ưu tiên tăng trưởng đồng nghĩa với kích thích tổng cầu. Muốn “sưởi ấm” nền kinh tế thì phải tăng thêm tổng cầu để kích thích tăng trưởng.

Cụ thể là đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công thông qua phát hành trái phiếu chính phủ; giải ngân nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy mạnh chi đầu tư ngân sách nhà nước vào các công trình trọng điểm… Tuy nhiên, ở một góc độ khác liên quan đến tổng cầu và chi phí sản xuất, giới doanh nghiệp cũng như người dân bày tỏ lo ngại về việc tăng giá xăng dầu, viện phí, học phí và thu phí bảo trì đường bộ. Giải tỏa mối lo này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc tăng giá đã được đặt trên “đường ray” có tính toán, cân nhắc các tác động cùng với những chế độ và chính sách phù hợp với những đối tượng đặc biệt. Việc tăng viện phí nhằm mục đích để tất cả mọi người cùng được hưởng chất lượng phục vụ khám chữa bệnh tốt nhất, giá viện phí tiệm cận với giá thị trường thì các chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo sẽ tiệm cận ở mức 100%, đối tượng cận nghèo sẽ là 70%. Đối với học phí cũng phải tăng theo lộ trình, Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo. Giải thích 3 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định, việc điều chỉnh được thực hiện nghiêm túc, hợp lý, bám sát giá thế giới. Tần suất doanh nghiệp được phép tăng giá xăng dầu tối thiểu là 10 ngày, phù hợp với Nghị định 84.

Sự biến động của giá cả, các loại phí có cả tác động tốt và xấu với tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trong chừng mực nhất định có thể gây tác động tốt, nhưng nếu tăng đột biến thì sẽ đẩy giá lên, khiến lạm phát tăng cao. Có tăng trưởng thì mới thúc đẩy sản xuất, giải quyết công ăn việc làm. Song các biện pháp kích thích tăng trưởng cũng như tăng giá cả, dịch vụ cần hết sức thận trọng, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Nói ngắn gọn là tăng trưởng có “liều lượng”.